Kính Chào Qúy Vị Đến Diễn Đàn Hội Thánh Phục Quyền.

Thông báo
Làm sạch tất cả

TIỂU SỬ ĐỨC NGÀI HIẾN PHÁP HIỆP THIÊN ĐÀI TRƯƠNG HỮU ĐỨC

Thanh Tam
(@thanh-tam)
Thành Viên
Hien Phap Truong Huu Duc
 
 
Đức Ngài Hiến Pháp Trương hữu Đức , sanh ngày mùng 2 tháng 2 năm Canh Dần (1890) (trên giấy tờ sanh năm 1892), con Ông Trương văn Tựu (chết) Cựu Cai Tổng Cầu An Thượng, làng Hiệp Hòa (Chợ Lớn), Giáo Sư phái Ngọc và Bà Lê thị Nhụy tức Sót (chết).
 
(Hiền nội của Ngài Trương hữu Đức là Bà Nguyễn thị Sanh, nhập môn vào Đạo Cao Đài rất sớm, được Đức Chí Tôn phong phẩm Nữ Lễ Sanh, do kỳ Phong Thánh Nữ phái lần thứ nhứt ngày 14-Giêng-Đinh Mão, dl 15-2-1927).
Nhập môn vào Đạo Cao Đài từ năm Ất Sửu (1925) lúc mới còn xây bàn, vì lúc ban sơ, những người theo đạo đều do lịnh Đức Chí Tôn chỉ định, nên không có Sớ Cầu Đạo.
 
Trong số 12 môn đệ đầu tiên của Đức Chí Tôn nêu tên trên bài thi tứ tuyệt trong quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển thứ I có tên ĐỨC (sau thọ phong Hiến Pháp HTĐ), hiệp với Ông HẬU thành cặp phò loan truyền đạo, Ông Hậu sau thọ phong Bảo Pháp HTĐ.
 
Trong lúc các Ông Cao quỳnh Cư, Phạm công Tắc và Cao hoài Sng bày cuộc xây bàn thì Đức còn hoài nghi cho rằng mấy bạn ấy giả ngộ chơi nên không tin; về nhà, Đức đem bàn ra, đặt tay lên xây thử để xin thi, tức thì có vong linh người anh nhập, nhưng thay vì cho thi, lại cho 2 vị thuốc. Đức uống thuốc ấy lành bịnh hậu trên 20 năm.
 
Qua bữa kế đó, vào lúc đúng ngọ, trong khi thanh tịnh, Đức bắt chước Ông Tắc, chấp bút một mình và cầu nguyện xin thi. Có vị Minh Nghĩa Tiên Ông giáng bút cho bài thi như sau:
 
Minh Đức mừng nay đã gặp Thầy,
Chẳng còn ao ước cái không hay.
Mừng cầu Âu Á càng thêm mặt,
Mừng nậu côn đồ đã chịu chay.
 
Đức chỉ xin được một bài thi đó thôi, sau chấp bút hoài cũng không được. Từ đó, Đức hết lòng tin tưởng, ăn chay luôn, phụng thờ Đức Cao Đài và hiệp cùng các đồng đạo đi phổ độ các nơi.
 
Cặp cơ Hậu - Đức có nhiệm vụ chấp cơ truyền đạo, mà mỗi đêm thứ bảy phải chấp cơ tại Thánh Thất Cầu Kho (Thánh Thất tạm nơi nhà Ông Đốc Bản) để cho thiện nam tín nữ đến hầu đàn cầu đạo. Đồng thời mỗi đêm khác đều đi phổ độ các nơi thôn quê sau khi mãn giờ làm việc, vì lúc ấy, Ông Hậu làm Đốc học trường tư thục, còn Đức thì làm công chức cho chánh phủ Pháp. Lắm khi phải đi suốt đêm, sáng về điểm tâm rồi đi làm việc luôn, nhưng vì sự tin tưởng nên không biết nhọc. Có nhiều đêm, Đức phải đi lên Gò Kén (Tây Ninh) để chấp cơ tại đó cho nhơn sanh nhập môn cầu đạo.
 
Lúc đạo mới mở, Đức Chí Tôn chẳng những giáng cơ độ rỗi nhơn sanh mà còn ban điễn lành cho các đồng tử để chữa bịnh cho bổn đạo. Vì vậy mà Đức chữa lành nhiều bịnh tê thủng, dịch tả, và câm, vv . . . Việc chữa bịnh có được kết quả như vậy là nhờ điễn lành của Đức Chí Tôn ban cho, chớ mấy vị đồng tử đâu có phải là người chữa bịnh.
 
Sự huyền diệu lạ lùng ấy làm cho đức tin của mọi người được tăng gia. Nhưng chẳng bao lâu, khi Đạo lập thành rồi, thì việc chữa bịnh bằng nhơn điễn phải ngưng một lượt với cơ bút, vì e có sự lạm dụng.
 
Khi thọ phong chánh thức vào hàng Thập nhị Thời Quân HTĐ với chức Hiến Pháp Chơn Quân, Đức thường lên xuống Tòa Thánh Tây Ninh để hành đạo trong lúc rảnh rang, vì Đức vẫn còn giúp việc cho Chánh phủ Pháp, tùng sự tại Sở Hỏa Xa Sài gòn.
 
Sau, Đức được Ông Chánh Sở Mật Thám Nam Kỳ là Ông Nadau mời đến để giao chức vụ Thông dịch viên Sở ấy. Trước khi nhận lời, Đức có cầu cơ thỉnh giáo Đức Chí Tôn, vì lúc bình thường, Đức không thích giúp việc cho Sở ấy, là Sở không có cảm tình đối với dân chúng. Đức Chí Tôn dạy Đức nên qua giúp việc cho Sở ấy vì sẽ có cơ hội giúp Đạo. Quả thật như lời Đức Chí Tôn nói, chẳng bao lâu Ông Cao quỳnh Cư (tức Cao Thượng Phẩm ), có ra bản "PHỔ CÁO CHÚNG SANH" để truyền bá Đạo Cao Đài, trên bìa Bản Phổ Cáo ấy có tựa đề "Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ". Lần đầu tiên Bản Phổ Cáo ấy không có kèm thêm chữ Hán, nhưng lần sau, Ông Cư có thêm mấy chữ Hán. Để tượng trưng Tam giáo qui nguyên, ngoài bìa Phổ Cáo Chúng Sanh có vẽ hình 3 vị Giáo chủ là Đức Thích Ca, Đức Lão Tử, và Đức Khổng Tử.
 
Bản Phổ Cáo Chúng Sanh in lần đầu được gởi ra Nha Tổng Giám Đốc Mật Thám Hà Nội để dịch ra Pháp văn. Nhưng người thông dịch viên ngoài ấy lại dịch câu tựa : Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là Đạo lớn cứu vớt 3 Kỳ.
 
Lúc đó là lúc nhà cầm quyền Pháp để ý theo dõi hành vi Đạo Cao Đài rất gắt, nên Hà Nội gởi bài dịch văn ấy vào Nam hỏi Ông Chánh Sở Mật Thám Nadau, có phải Đạo Cao Đài làm chánh trị không, để họ giải tán.
 
Nhằm lúc ấy, Ông Nadau tin dùng Đức, nên Ông mới đến hỏi bài dịch văn ấy có đúng nghĩa không? Đức trả lời rằng : Không đúng, vì nguyên văn câu ấy có nghĩa là Đại Đạo mở lần thứ 3 để độ rỗi, chớ không phải cứu vớt 3 Kỳ (trong Liên bang Pháp là Nam kỳ, Trung kỳ và Bắc kỳ). Để trưng bằng cớ cụ thể, Đức đem trao cho Ông Nadau Bản Phổ Cáo Chúng Sanh có in chữ Hán. Ông liền phúc trình ra Hà Nội giải thích rõ việc ấy. Nhờ đó mà Đạo khỏi bị giải tán và người Đạo cũng đỡ khổ. Đó là bằng chứng Đức cứu Đạo.
 
Còn nhiều việc khác nữa, nhưng không đáng kể.
 
Qua năm 1945, Pháp bị Nhựt bổn đảo chánh tại Đông Dương, Đức tản cư về thôn quê, nhưng ở đâu cũng không yên, Đức liền về Tòa Thánh, ở được một hôm thì Pháp đổ bộ, bắn chết một Đạo hữu ở Rừng Thiên nhiên (Tòa Thánh). Tính không êm, Đức liền rời khỏi Tòa Thánh, băng rừng đi bộ từ Tây Ninh về Lộc Giang (Chợ Lớn). Lúc đó dẫu có tiền cũng không có xe đi.
 
Tản cư ở Lộc Giang được một thời gian, Đức trở lại quê nhà ở Hiệp Hòa (Chợ Lớn), nhưng sau lại tản cư xuống chùa Minh Đức nơi Đền Thờ Phật Mẫu tại cầu Băng Ky Gò Vấp, do Ông Sĩ Tải Nguyễn văn Thiệt làm chủ, lúc ấy cùng ở chung với mấy Ông : Bảo Pháp, Bảo Thế, Khai Đạo, cũng đồng cảnh huống.
Cũng trong năm 1945, bị bom Nguyên tử, Nhựt đầu hàng Đồng Minh, Pháp trở lại Đông Dương và chiến đấu với Việt Minh. Pháp kêu gọi công chức hồi cư để hiệp tác, Đức còn do dự mấy tháng.
 
Đến năm 1946, mới chịu trở lại vì hoàn cảnh bắt buộc.
 
Đến năm Nhâm Thìn (1952), được giấy hồi hưu, Đức trở về Hiệp Hòa ở chung với người em ruột trong một ngôi nhà tranh rách nát. Nhờ vậy mà tránh khỏi Việt Minh và quân đội Pháp khủng bố. Quân đội nầy chỉ khủng bố những nhà tốt mà thôi. Đức cũng muốn về Tòa Thánh làm Đạo nhưng vì lúc ấy, Đạo còn dùng rất nhiều quân đội nên không về vì tình trạng không hạp.
 
Mãi đến hạ tuần tháng 8 năm Ất Mùi (1955), quân đội Cao Đài, một phần tự giải ngũ, một phần gia nhập vào quân đội quốc gia, còn Đức Phạm Hộ Pháp thì bị cấm phòng tại Hộ Pháp Đường, Đức mới về Tòa Thánh để quan sát tình hình và hiệp với các Chức sắc khác để lo gỡ rối cho Đạo.
 
Nói đến đây, Đức không quên ghi ơn 2 Ông bạn HTĐ là Bảo Thế và Tiếp Pháp, có lòng đến tận nhà ở Hiệp Hòa, khuyên Đức về hợp tác hành đạo. Vì vậy mà Đức mới thanh toán hết gia nghiệp mới gầy dựng được chút ít, chí quyết phế đời hành đạo, mong cứu vãn tình thế, vì lúc ấy là lúc hỗn loạn. Có nhiều Chức sắc và Đạo hữu bị giam cầm do Ban Thanh Trừng điều khiển.
 
Năm Bính Thân (1956), Đức cùng Hội Thánh ký kết Thỏa Ước với Chánh phủ Cộng Hòa, cam kết không làm chánh trị. (Thỏa Ước Bính Thân 1956, Xem nơi Tiểu sử của Ngài Bảo Thế Lê thiện Phước).
 
Đồng thời Đức Hộ Pháp Phạm công Tắc đang lưu vong tại Nam Vang, lại phát động Phong trào Chung sống Hòa bình, và chỉ định Đức làm đại diện cho Người nơi Tòa Thánh. Vì lẽ đó mà Đức bị tình nghi và bị cắm cư trú 2 năm tại Sài gòn, mặc dù Đức không thọ lãnh chức Trưởng Ban Miền Nam Phong trào Chung sống Hòa bình do Đức Phạm Hộ Pháp bổ nhiệm, nghĩ vì đã ký Thỏa Ước Bính Thân, thì cố nhiên phải tôn trọng chữ ký của mình.
 
Mãn 2 năm cư trú, Đức trở về nhà với gia đình để dưỡng sức vì tuổi cao kỷ trưởng. Tuy nhiên, đối với sự thành bại của Đạo, không thể ngồi ngó cho đành.
 
Vậy nên vào lúc tháng 9 năm Nhâm Dần (1962), Đức trở về Tòa Thánh tái thủ phận sự tại HTĐ với nhiệm vụ : Tuyển soạn Thánh Ngôn và viết Đạo Sử.
Chí nguyện làm tròn phận sự, rồi có nhắm mắt theo Thầy cũng ngậm cười nơi cõi Thiêng liêng Hằng sống.
 
Từ ấy, Đức cộng tác với Đức Thượng Sanh.
 
Ngoài nhiệm vụ kể trên, còn kiêm nhiệm thêm Bộ Pháp Chánh, Ban Kiểm Duyệt, Ban Đạo Sử và Thơ viện cho đến ngày nay.
 
Đắc phong Quyền Chưởng quản HTĐ và cuộc lễ Tấn Phong được tổ chức ngày Chúa Nhật 21-5-Tân Hợi (dl 13-6-1971) tại Tòa Thánh Tây Ninh, có mời Chánh quyền, các đoàn thể và các tôn giáo bạn đến dự.
 
Tòa Thánh, ngày 20 tháng 5 Tân Hợi. - (Dl 12-6-1971)
 
HIẾN PHÁP HTĐ: Trương hữu Đức
 
 
Không có mô tả ảnh.
 
 
DIỄN VĂN
 
1. DIỄN VĂN CỦA NGÀI BẢO ĐẠO HIỆP THIÊN ĐÀI, ĐẠI DIỆN HỘI THÁNH HIỆP THIÊN ĐÀI CHÚC MỪNG NGÀI HIẾN PHÁP H.T.Đ, QUYỀN CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ĐÀI, ĐỌC TẠI TÒA THÁNH NGÀY 21 THÁNG 5 TÂN HỢI (DL, 13-6-1971)
 
- Kính thưa……cùng quí quan khách trong phái đoàn chánh phủ, Thượng Hạ Nghị Viện, Tối Cao Pháp Viện, Ngoại giao đoàn.
 
- Kính thưa……quí vị Đại Đức đại diện các tôn Giáo bạn.
 
- Kính thưa Hội Thánh Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài và Phước Thiện cùng toàn Đạo lưỡng phái.
 
- Kính thưa Đại Huynh Hiến Pháp Hiệp Thiên Đài.'
 
Hôm nay là ngày vui mừng chung của toàn Đạo đã long trọng tổ chức lễ tân phong cho Đại Huynh Trương Hữu Đức, Hiến Pháp Hiệp Thiên Đài lãnh trọng trách Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài, nên tôi nhơn danh toàn thể Hội Thánh Hiệp Thiên Đài để lời chơn thành chúc mừng Đại Huynh Hiến Pháp và thành kỉnh cầu nguyện ơn trên hộ trì cho Đại Huynh hành tròn nhiệm vụ.
Sự hiện diện của ….. và các giới trong chánh quyền, ngoại giao đoàn cùng với sự hiện diện của …và quí Đại Đức đại diện tôn Giáo bạn hôm nay càng tăng thêm phần long trọng cuộc lễ và cũng là một điều khích lệ lớn lao nâng cao uy tín và giá trị tinh thần của nền Đại Đạo.
 
Đối với tấm thậm tình ấy, chúng tôi vô cùng cảm xúc không lời lẻ nào tả hết nổi lòng, nên chỉ thành kính xin quí vị nhận lòng tri ân chân thành và nồng hậu của chúng tôi.
 
Theo đây tôi xin nhắc lại là sau khi Đức Thượng Sanh qui Thiên, Hội Thánh Hiệp Thiên Đài có phiên đại hội vào ngày 24 tháng 4 Tân Hợi (dl 18-5-1971) để chọn người thay thế thì toàn hội đồng thanh công cử Đại Huynh Trương Hữu Đức Hiến Pháp Hiệp Thiên Đài đảm nhiệm trọng trách lãnh Đạo Hội Thánh Hiệp Thiên Đài.
 
Vi bằng công cử được dâng lên quyền Thiêng Liêng Đức Hộ Pháp phê chuẩn và chấp nhận cho Đại Huynh Hiến Pháp lãnh nhiệm vụ Quyền Chưởng Quản H.T.Đ do đàn cơ tại Cung Đạo ngày 6 tháng 5 Tân Hợi (dl, 29-5-1971).
 
Thưa Đại Huynh Hiến Pháp,
 
Tôi nói lên đây có lẻ chạm đến đức khiêm nhượng của Đại Huynh, chớ thật ra trong hàng Thập Nhị Thời Quân hiện nay Đại Huynh là người xứng đáng hơn hết để lãnh trọng trách nầy.
 
Thật vậy, nói về tuổi tác thì Đại Huynh là vị niên trưởng đầy đủ Đạo đức đáng là người anh lớn trong Đại gia đình Hiệp Thiên để dìu dẫn đàn em.
 
Còn nói về chơn pháp của Đạo, trong ba chi: Pháp, Đạo, Thế của Hiệp Thiên Đài thì Chi Pháp vi chủ đứng đầu ba Chi.
 
Đã vậy, Đại Huynh là người duy nhất cầm quyền Chi Pháp thì việc tôn Đại Huynh lên lãnh Đạo Hội Thánh Hiệp Thiên Đài là một lẽ dĩ nhiên.
 
Về quá trình thì Đại Huynh là người được lòng tín nhiệm của Đức Hộ Pháp và luôn cả của Đức Thượng Sanh, vì lúc Đức Hộ Pháp còn sanh tiền tại Kiêm Biên thì Đức Ngài đã có Thánh Lịnh ban cho Đại Huynh nhiệm vụ thay mặt Đức Ngài cầm quyền Hội Thánh trong lúc Đức Ngài vắng mặt.
 
Khi Đức Thượng Sanh về cầm giềng mối Đạo, thì Đức Ngài có ban cho Đại Huynh Bảo Thế Hiệp Thiên Đài trọng trách Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài. Nhưng về sau Đại Huynh Bảo thế ngọa bịnh và nghỉ việc thì Đức Thượng Sanh mới giao lại cho Đại Huynh nhiệm vụ đại diện cho Đức Ngài và xử lý thường vụ trong lúc Đức Ngài phải dưỡng bịnh ở Sài Gòn.
 
Bao nhiêu thành tích đó đã làm cho mọi người trong Đạo cũng như ngoài đời đều nhận thấy rằng Đại Huynh là người xứng đang hơn hết để đảm nhiệm trọng trách Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài hôm nay.
 
Vậy, một lần nữa tôi xin nhơn danh đại diện Hội Thánh Hiệp Thiên Đài dâng lên Đại Huynh lời chúc mừng chân thành của toàn thể và cầu nguyện ơn trên ban hồng ân cho Đại Huynh hoàn thành tròn nhiệm vụ và tôi cũng không quên kính lời tri ân nồng hậu cùng quí vị trong phái đoàn chánh phủ Thượng, Hạ Nghị Viện, Tối Cao Pháp Viện, Ngoại Giao Đoàn, với quí Đại Đức đại diện các tôn Giáo bạn cùng tất cả quí quan khách đã niệm tình, chẳng nệ đường xa đến chung vui cùng chúng tôi để tăng thêm phần long trọng cho buổi lễ.
 
Đại diện Hội Thánh Hiệp Thiên Đài
 
Bảo Đạo Hiệp Thiên Đài
(Ấn ký)
 
 
2. DIỄN VĂN CỦA NGÀI ĐẦU SƯ CHƯỞNG QUẢN CỬU TRÙNG ĐÀI NAM PHÁI CHÚC MỪNG TRONG BUỔI LỄ VINH THĂNG NGÀI HIẾN PHÁP CẦM QUYỀN CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ĐÀI Ngày 21 tháng 5 Tân Hợi (dl 13-6-1971)
 
- Kính thưa Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện,
 
- Kính thưa chư viên quan quí chức đại diện chánh quyền,
 
- Kính thưa chư đại diện Tôn Giáo bạn,
 
- Kính thưa Đồng Đạo Nam Nữ.
 
Hôm nay là ngày lễ tấn phong Ngài Hiến Pháp Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài. Tôi Đầu Sư Chưởng Quản Cửu Trùng Đài Nam Phái, rất hân hạnh thay mặt Hội Thánh Cửu Trùng Đài xin có đôi lời chúc mừng trong ngày vui chung của Đạo và cũng là vinh dự đặc biệt riêng của Ngài Hiến Pháp.
Nhắc lại từ buổi sơ khai lập Đạo, Hội Thánh lưỡng đài có đủ Chức Sắc thay hình thể Đức Chí Tôn tại thế, để phổ hóa nhơn sanh sớm hồi tâm hướng thiện, lìa nẻo lợi đường danh tại bến mê tân khổ nầy. Đã 46 năm rồi, nền Đạo trải qua những bước thăng trầm với bao lần phân hóa chia ly, sử Đạo đã ghi thêm lắm trang đẫm lệ bởi cường quyền áp đảo, mặc dầu vậy, cơ Đạo vẫn có thể vươn mình lên mức độ khả quan như hiện tại. Tuy nhiên song song với bước tiến của Đạo, ngày tháng cũng lặng lẻ trôi đi, do đó các bậc tiền bối, tuổi Đạo càng cao, tuổi đời thêm chồng chất, kẻ trước người sau lần lược trở về quê xưa cảnh cũ, nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống. Làm xong phận sự đã chí hứa, chư Thiên mạng cởi bỏ xác trần, theo luật thiên nhiên tiền định, mới có thể đủ năng lực vận dụng quyền Thiêng Liêng xoay chuyển cơ đời hữu hiệu hơn, mới mong sớm qui Tam Giáo, Hiệp Ngũ Chi, tận độ chúng sanh cải dữ ra hiền, tái lập đời Minh Đức Tân Dân cho nhơn loại được hưởng thiên đường tại thế.
 
Các Đại Thiên Phong Hiệp Thiên Đài vẫn ở trong định luật ấy. Ba vị tướng soái lớn của Đức Chí Tôn là Đức Thượng Phẩm, Đức Hộ Pháp, Đức Thượng Sanh đã qui Thiên, Thập Nhị Thời Quân còn lại 5 người.
 
Ngày 24 tháng 4 Tân Hợi (dl, 1805-1971) trong phiên họp Hội Thánh, Ngài Hiến Pháp được bầu lên Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài.
 
Thật vinh hạnh! Thật vẻ vang thay!
 
Ngài Hiến Pháp rất xứng đáng trong chức vụ mới nầy, Ngài là một trong các bậc tiền bối có công khai sáng nền Đạo, lại cũng nhiều gian lao hạn mã, chịu khổ hạnh trong cuộc biến chuyển 1957 vừa qua.
 
Ngài đã từng được Đức Hộ Pháp ủy nhiệm thay mặt cầm giềng mối Đạo lúc Đức Hộ Pháp lưu vong ở Cao Miên năm 1956, và trong thời gian Đức Thượng Sanh còn tại thế, chính Ngài Hiến Pháp cũng xử lý thường vụ khi Đức Ngài vắng mặt tại Tòa Thánh. Với đức độ từ hòa nhơn hậu, Ngài Hiến Pháp có đủ uy tín đối với các cơ quan để làm tròn thiên chức và bổn Đạo cũng một lòng ái mộ kính yêu Ngài.
 
Tấn phong Ngài Hiến Pháp lên Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài, chẳng những là một niềm vui thỏa đáng của Đạo, mà còn là niềm vui riêng của Hội Thánh Cửu Trùng Đài nữa, bởi trong Pháp Chánh Truyền có nói:
 
“Trời đất có âm dương, vạn vật có thể phách, nhơn loại có xác hồn, sự sống của vạn loại trong càn khôn thế giới chỉ nhờ có vật chất và tinh thần tương hiệp mới hình thành. Xác phải phù hợp với hồn cũng như vật chất phải phù hợp với tinh thần, vật chất vốn hữu hình, mà tinh thần lại vô vi, vô vi cùng hữu hình phải tương đắc.
 
Ấy vậy, Cửu Trùng Đài là xác, Hiệp Thiên Đài là hồn. Đã nói Cửu Trùng Đài là Đời tức nhiên là xác của Đạo, còn Hiệp Thiên Đài là Đạo, tức nhiên Chơn Thần của Đạo. Cửu Trùng Đài phải nương Hiệp Thiên Đài mà lập ra thiệt tướng mới mong độ rỗi nhơn sanh, chuyển cơ tạo hóa”.
 
Vì các lẽ nêu trên, mối tương quan giữa Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài rất trọng hệ.
 
Rồi đây trên đường phục vụ chúng sanh cùng tô điểm đại nghiệp của Đức Chí Tôn tại thế, trong kỳ ba phổ độ nầy, với uy tín và cảm tình sẵn có của Ngài Hiến Pháp lên cầm Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài sẽ cùng Hội Thánh Cửu Trùng Đài ưu tư mật thiết với nhau như đã từng tương liên trong lẻ cộng ưu hòa ái để xây dựng tô điểm nghiệp Đạo, việc làm sẽ luôn song hành trong khuôn viên Đạo Pháp, theo Pháp Chánh Truyền qui định để hoàn thành sứ mạng của Đức Chí Tôn giao phó, đồng thời để đáp ứng hoài vọng của nhơn sanh.
 
Tôi nhơn danh Đầu Sư Chưởng Quản Cửu Trùng Đài Nam Phái, thay mặt Hội Thánh Cửu Trùng Đài một lần nữa rất hoan hỉ và nhiệt thành chúc mừng Ngài Hiến Pháp nói riêng và Hội Thánh Hiệp Thiên Đài nói chung, trong dịp lễ tân phong ngày hôm nay.
 
Tôi cầu nguyện Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng ban ân lành cho Ngài Hiến Pháp luôn mạnh khỏe, tinh thần minh mẫn trong nhiệm vụ bảo thủ luật pháp chơn truyền của Đạo và giúp tay cho Cửu Trùng Đài trong những ngày sắp tới.
 
Xin Ngài Hiến Pháp Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài thể nhận nơi đây sự kính mến của chúng tôi.
 
Nay kính
 
Đầu Sư Chưởng Quản Cửu Trùng Đài Nam Phái
 
THƯỢNG SÁNG THANH
 
 
3. DIỄN VĂN CỦA HỘI THÁNH PHƯỚC THIỆN ĐỌC TRONG BUỔI LỄ “TẤN PHONG” NGÀI HIẾN PHÁP QUYỀN CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ĐÀI
 
- Kính bạch Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện,
 
- Kính quý quan khách,
 
- Kính quí vị đại diện các Tôn Giáo bạn,
 
- Kính chư Chức Sắc, Chức Việc và toàn Đạo Nam Nữ.
 
Hôm nay 21 tháng 5 Tân Hợi (dl 13-6-1971) là ngày lễ tấn phong Ngài Hiến Pháp Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài, nên toàn Đạo từ Tín Hữu đến Chức Việc, Chức Sắc cũng như Hội Thánh đều hân hoan đón nhận một quyền năng do ơn trên Đức Chí Tôn đã định có người nối tiếp lèo lái con thuyền Đại Đạo kể từ đây.
 
Tưởng cũng nên hình dung lại sứ mệnh và hành trình của Đức Cao Thượng Phẩm, Đức Hộ Pháp, Đức Thượng Sanh trong thời gian đã qua, để làm mẫu cho một tương lai sắp tới.
 
1.- Đức Cao Thượng Phẩm thuộc về Chi Đạo đã về nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống lưu lại cho Đạo một khối tinh thần cao thượng vô biên là sự xây dựng đầu tiên, biết bao nhiêu sự khổ hạnh thử thách nhưng Đức Ngài không nản, quyết tâm tạo cho được một nguồn hạnh phúc chung cho nhơn sanh, tức là Đạo nghiệp ngày hôm nay.
 
2.- Đức Hộ Pháp thuộc về Chi Pháp, Đức Ngài đã phán quyết với một đức tính công bình đi đôi với lòng thương yêu vô tận gắn liền trên mọi hình thức lồng trong những bài thuyết Đạo làm cho nhơn sanh rất thỏa mãn và tận tâm phục vụ theo thuyết định của Đức Ngài không biết đến bao giờ quên được.
 
3.- Đức Thượng Sanh thuộc về Chi Thế là một gương mẫu tinh hoa của thế gian. Sự từ bi, bác ái của Đức Ngài được nung nấu và in sâu trong tâm hồn của toàn Đạo.
 
Từ tư tưởng phát sinh ra hành động được mô tả trong văn thi kinh điển để lưu lại cho thế nhân một sự dung hòa rất hữu ích cho việc tu thân và trong trường hợp tiếp nhân xử thế.
 
Đức Chí Tôn đã dùng ba vị tướng soái sẵn có những báo vật là đức tin và đức tánh qui tụ thành một tinh thần tối cao, tối trọng biểu tượng nên một hệ thống giá trị Đạo đức, có thể nói là một lập trường thương yêu vững chắc để đảm bảo hạnh phúc chung cho nhơn loại.
 
Giờ đây ba vị tướng soái đã triều thiên, Đức Hộ Pháp giáng cơ ban ơn cho Ngài Hiến Pháp kế tiếp Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài, với một sứ mạng tối cao, Đức Hộ Pháp đồng ý và cả một niềm tin của toàn Đạo. Hội Thánh chúng tôi xin cầu nguyện Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu ban hồng ân cho Ngài Hiến Pháp Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài được dồi dào sức khỏe khang kiện tinh thần, hầu làm sống lại các khía cạnh công bình, từ bi bác ái, thực hiện thuyết đại đồng hầu đem lại hạnh phúc cho toàn Đạo.
 
Nay kính
 
Chưởng Quản Phước Thiện
 
Chơn Nhơn LÊ VĂN TRUNG
 
 
4. DIỄN VĂN ĐÁP TỪ CỦA NGÀI HIẾN PHÁP, QUYỀN CHƯỞNG QUẢN HIỆP THIÊN ĐÀI ĐỌC TRONG LỄ TẤN PHONG ngày21 tháng 5 Tân Hợi (dl dl 13-6-1971) tại Đại Đồng Xã.
 
- Kính Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện,
 
- Kính thưa Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa,
 
- Kính thưa quí phái đoàn chánh phủ,
 
- Kính thưa quí vị ngoại giao đoàn,
 
- Kính thưa quí đoàn thể tôn Giáo bạn,
 
- Kính thưa quí quan khách,
 
- Kính thưa quí đại diện báo chí,
 
- Kính thưa Trung Tá Tỉnh Trưởng và chánh quyền địa phương,
 
- Kính thưa chư Chức Sắc, Chức Việc và toàn Đạo Nam, Nữ.
 
Nhơn danh Hội Thánh Tòa Thánh Tây Ninh, và nhơn danh Hiến Pháp tân phong Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài, tôi rất hân hạnh và xin chân thành cảm tạ thạnh tình của chư quí liệt vị đã có lòng huệ cố đến chung vui trong cuộc lễ tân phong hôm nay. Sự hiện diện nơi đây của chư quí liệt vị làm tăng phần khích lệ và phấn khởi tinh thần của chúng tôi.
 
Kính thưa quí liệt vị,
 
Từ ngày lập Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đến nay đã 46 năm, hệ thống tổ chức của Tòa Thánh Tây Ninh đều căn cứ vào Luật Pháp Chơn Truyền mà lập thành Hội Thánh, trên có một vị Chức Sắc cao cấp nhứt trong Đạo cầm quyền thống lĩnh toàn Đạo, như Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc chẳng hạn, kế đó là Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư và Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang. Nhưng hôm nay cả ba vị Chức Sắc ấy đều qui Thiên hết, nên mới đến vai tuồng của Thập Nhị Thời Quân phải đảm đương trọng trách cầm quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài là quyền tối cao của Hội Thánh đương kim. Điều ấy cũng do theo thông lệ “Tiền tấn, hậu kế”.
 
Chúng tôi xin chân thành thú thật rằng, chúng tôi còn kém phần tài đức, nhưng ngày giờ nầy sứ mạng Thiêng Liêng đã đến tay, không lẻ trốn trách nhiệm được, nên cực chẳng đã phải nghiêng vai lãnh lấy gánh nặng cùng toàn thể tín hữu và nguyện đem hết tâm lực và thiện chí sẵn có để xây dựng và bảo tồn đại nghiệp Đạo cho ra thiệt tướng hầu làm bóng mát cho toàn thể nhân loại có nơi nương tựa, vì Đạo Trời không những chan rưới hồng ân riêng cho đồng bào Việt Nam ta mà thôi, mà còn ban bố khắp đại đồng thế giới nữa.
 
Tôi có cảm giác rằng ngày nào bóng cờ Đại Đạo bay khắp bốn phương là ngày ấy nhơn sanh sẽ được chung hưởng thanh bình hạnh phúc. Tôi không nói quá lời đâu, vì tôi biết chắc rằng Đức Thượng Đế không gạt ai hết, nhứt là đám con cái của Đức Ngài khi Đức Ngài đến mở Đạo Kỳ Ba để tận độ chúng sanh và 92 ức nguyên nhân qui hồi cựu vị. Lại còn có Tân Ứớc giữa Trời và Người trong kỳ phổ độ thứ ba nầy. Nhưng thay vì tuyên bố như Đức Phật ngày xưa là “Thiên Thượng, Thiên Hạ, duy ngã độc tôn”, nay Tân ước nầy lại tuyên bố “Thiên Thượng Thiên Hạ, Bác Ái Công Bình” nghĩa là trên Trời, dưới thiên hạ, lấy bác ái và công bình làm tôn chỉ và có câu: “Ngã Thiên thị thính” (Trời và Ta nghe thấy) tức là Trời và Người thông công đó vậy.
 
Tân ước trên đây đã nêu rõ tôn chỉ cao siêu của Đại Đạo. Nhân sanh chỉ có việc thực hiện tôn chỉ ấy cho kỳ được thì cái chơn hạnh phúc sẽ đến với mình.
Thoạt tiên nghe qua tôn chỉ cao siêu, ai cũng cho là điều rất khó thực hiện. Nhưng với sức mạnh vô đối của con người, khi họ đoàn kết nhau lại thành khối, thì bất cứ việc gì họ cũng đều vượt qua hết. Có câu rằng: “Thế thượng vô nan sự” (trên đời không việc gì khó hết, duy tại con người không cố gắn mà thôi).
 
Nói như thế tức là con người có thể tạo lấy hạnh phúc cho mình sao? Thưa thật vậy, nếu muốn thì được (Vouloir c’ est pouvoir, câu phương ngôn Pháp), tuy nhiên xin can ai nấy đừng muốn sự quấy, vì sự quấy không bao giờ đem lại hạnh phúc, mà trái lại là sự phá hoại.
 
Kính thưa quí liệt vị,
 
Có lẻ sống trên cõi trần gian nầy, điều nguyện vọng của chúng ta đều gần giống nhau hết.
 
Vậy thử hỏi nguyện vọng ấy đại khái là gì?
 
Thưa: một là đời sống vui tươi sung sướng, đầy đủ tự do no ấm.
 
Hai là phải có danh gì với non sông đất nước.
 
Ba là đầy hạnh phúc về vật chất lẫn tinh thần.
 
Về đời sống vật chất, cá nhân thiết tưởng ai cũng có thể tạo ra được mà hưởng. Còn về đời sống tinh thần thì cần phải đoàn kết nhau thành khối, muôn triệu người như một để kiến tạo những gì có thể đem lại chơn hạnh phúc. Vậy nhơn loại muốn được hưởng chơn hạnh phúc thì phải noi theo lẽ Trời, vì thế mà con người phải có sứ mạng thể thiên hành Đạo, như tất cả các tín đồ Đạo Cao Đài chúng tôi, dầu lớn, dầu nhỏ, đều lãnh sứ mạng Thiêng Liêng của Đạo Trời để tạo lấy Chơn hạnh phúc, cho mình và cho toàn nhơn loại, và cũng không quên kêu gọi tất cả đồng bào các giới cùng đến chung hưởng với chúng tôi.
 
Ngày nào toàn thể dân tộc Việt Nam nói riêng và toàn thể thế giới nói chung biết nghe theo tiếng gọi Thiêng Liêng mà đến chung hiệp với chúng tôi để xây dựng Đạo Trời cho ra thiệt tướng như ý Trời đã định, thì ngày ấy sẽ xuất hiện một cảnh thiên đàn tại thế.
 
Kính thưa quí liệt vị,
 
Trước khi dứt lời, một lần nữa tôi xin trân trọng và chân thành cảm tạ chư quí liệt vị, và xin thành tâm cầu nguyện ơn trên ban phước lành cho toàn thể chư quí liệt vị và quí quyến được dồi dào sức khỏe và nhiều may mắn.
 
Nay kính
 
HIẾN PHÁP
Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài
Trích dẫn
Người bắt đầu chủ đề Đã đăng : 25/11/2021 6:01 am
Chia sẻ: