Kính Chào Qúy Vị Đến Diễn Đàn Hội Thánh Phục Quyền.

MỘT CHUYẾN ĐI (CHUY...
 
Thông báo
Làm sạch tất cả

MỘT CHUYẾN ĐI (CHUYẾN LƯU VONG LÁNH NẠN CỦA ĐỨC HỘ PHÁP SANG NAM VANG TRƯỚC SỰ BỐ RÁP TÒA THÁNH CỦA NGUYỄN THÀNH PHƯƠNG)

Thanh Tam
(@thanh-tam)
Thành Viên
Có thể là hình ảnh về văn bản
 
 
Nhờ viện trợ của Mỹ, Ngô Đình Diệm vận động phá vỡ "Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia" bằng cách mua chuộc và chia rẽ các lực lượng giáo phái. Phòng Nhì của Diệm đã bỏ ra một trăm triệu để mua chuộc Nguyễn Thành Phương (chưa nhập môn theo đạo) và Cố vấn Ngô Đình Nhu ra lịnh cho Nguyễn Thành Phương kéo quân lên Toà Thánh để "thanh trừng" những phần tử Cao Đài chống đối chế độ độc tài gia đình trị.
 
Trong khi Nguyễn Thành Phương bao vây Hộ Pháp Đường, không cho Đức Hộ Pháp trốn thoát, một số cựu quân nhân do Đại Tá Huỳnh Thanh Mừng (sau trận này ông đi theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam) chỉ huy binh sĩ chống lại hành động của Tướng Phương, chiếm đóng vùng chợ Long Hoa đến Cửa Số 6. Đại Tá Mừng cho đóng quân từ Núi Bà đến Cửa Hoà Viện, nhất quyết một còn một mất với Tướng Phương. Nhưng chẳng may Đại Tá Mừng bị bộ hạ của Tướng Phương phục kích bắn gãy một cánh tay, khiến cuộc tranh chấp đôi bên quyết liệt hơn.
 
Nhóm thứ ba do Thiếu Tá Nguyễn Văn Đờn và Nguyễn Văn Mạnh chỉ huy, kéo quân vào đóng trong nội ô Toà Thánh tuyên bố là sẽ ngăn chặn hai nhóm kia hầu tránh cảnh lưu huyết vô lối.
 
Để tránh viễn cảnh máu đổ giữa đồng đạo và làm cớ cho cường quyền Ngô Đình Diệm chiếm Toà Thánh, Đức Ngài ra "Bản Tuyên Ngôn" có câu: "Cơ đạo trải qua hồi biến chuyển, Bần Đạo khuyên cả con cái Đức Chí Tôn bình tĩnh, sáng suốt, chờ Hội Thánh giải quyết".
 
Đức Ngài cũng nói với các cấp chỉ huy quân đội : "Các con là lửa Tam Muội. Lửa dữ trừ được Ma Vương mà cũng có thể đốt thiêu luôn Toà Thánh".
 
Vì thế, Đức Ngài phải ép lòng ra đi để làm cho các phe phái đối lập không còn lý do gì tranh chấp với nhau. Dự kiến này được giữ kín, ít ai biết. Thế mà nhóm Mừng, Đờn, Mạnh cũng đoán được, nên họ đề nghị dọn đường rừng đưa Đức Hộ Pháp đi để tránh sự săn đuổi của Tướng Phương. Đức Ngài lặng lẽ làm theo kế hoạch của riêng mình.
 
Có thể là hình ảnh về 1 người
 
Trong ngày mồng 4 tháng giêng năm Bính Thân, Đức Hộ Pháp cho sắp xếp mọi hành trang vào xe Chevrolet, nhưng khi hỏi lại giấy xe thì kiếm không ra, khiến cho tài xế xe Hồ Tấn Lực bị quở. Chừng lên tới Nam Vang mới hay là Cô Tư (Phạm Hương Tranh) lấy đem đi Nam Vang trước.
 
Đến 5 giờ chiều, Đức Hộ Pháp mới cho tôi (Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa) hay việc này. Tôi lật đật ra Tây Ninh kiếm thế làm tờ cớ mất giấy xe để tạm dùng đi đường nhưng vô hiệu quả, vì đã hết giờ làm việc. Lúc trở về thì trời đã tối. Đức Hộ Pháp dạy dọn đồ vật qua xe của Bà Tám (tức Phối Sư Hương Nhiều) để đi vì xe này có giấy tờ đủ.
 
Đồng thời nhóm Huỳnh Thanh Mừng từ trong núi đi xe Jeep ra, định rước Đức Hộ Pháp đi ngã đường rừng, vì họ đã dọn đường và cho phục kích rồi, nhưng xe của họ chạy đến cầu Kỹ Nghệ thì chết máy mà sửa hoài không chạy được, buộc lòng cho người ra xin tôi gởi xe vô rước họ. Trời khiến, lúc đó không có chiếc xe nào ở nhà nên họ đành chờ, mới ra đặng thì Đức Hộ Pháp đã đi hồi khuya rồi ...
 
Bên chiếc xe của Đức Hộ Pháp có 7 người. Ở ghế trước có Giáo Hữu Của (tức Phạm Kim Của, từng ở Nam Vang) làm tài xế, kế bên là Cô Hai Đạm, em Ba Hiệu theo để hầu Đức Hộ Pháp. Ở phía sau, Đức Hộ Pháp ngồi giữa, bên trái là tôi (Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa), bên phải là Trung Tá Lê Văn Thoại (sau là Hữu Phan Quân) và con cả của tôi là Bạch (tức Hồ Thái Bạch) ngồi trên gói đồ. Đức Hộ Pháp và tôi thì mặc đạo phục, ông Thoại mặc áo dài trắng, em Bạch mặc đồ Hướng đạo, còn Giáo Hữu Của, cô Đạm, em Hiệu thì mặc thường phục.
 
Theo sau xe có chiếc xe của chức sắc Phước Thiện, trong đó có ông Trưởng tộc Phạm Văn Út và vài vị khác tôi không nhớ. Họ đưa Đức Hộ Pháp lên đường. Bà Tám ở lại một mình rất bùi ngùi.
 
Trước khi ra đi, tôi có bạch với Đức Hộ Pháp có cần để lịnh gì dạy Hội Thánh hay không. Đức Ngài nói không, và dạy tôi viết vắn tắt vài hàng báo tin rằng: "Đức Hộ Pháp đã đi Nam Vang rồi...".
 
Vào lối 2 giờ khuya, xe ra cửa hông bên trái Hộ Pháp Đường. Xe Đức Hộ Pháp ra trước, xe chức sắc Phước Thiện ra sau, vẫn mở đèn sáng. Nhưng không hiểu sao, tốp lính của Nguyễn Thành Phương đứng gác nơi bót trước Hộ Pháp Đường (bót này nay là Bá Huê Viên) ngủ say không hay gì hết.
 
Xe đi theo đường Bình Dương (sau là Đại Lộ Phạm Hộ Pháp) ra cửa Hoà Viện. Khi xe đến cửa Hoà Viện, có hai em Bảo Thể gác đêm ra mở cửa cho xe đi, rồi đóng cửa lại.
 
Xe ra cửa thì rẽ tay trái đến ngã ba quẹo qua đường Nhàn Du Khách sạn (tức đường Ca Bảo Đạo) tới Cửa Số 4, thì quẹo tay mặt ra Cửa Số 7, rồi đi luôn tới Mít Một.
 
Khi ngang Cửa Số 7, bót gác nơi đó gạn hỏi, Trung Tá Thoại trả lời là xe của ông Hồ Bảo Đạo đi Sài Gòn rồi chạy luôn.
 
Khi xe chạy qua Tổng Hành Dinh (ở Cẩm Giang) thấy có lính đứng gác ở cửa, nhưng xe vẫn mở đèn pha chạy luôn. Xe của ông Trưởng Tộc Út chạy theo sau cũng qua êm ái.
 
Qua khỏi Tổng Hành Dinh rồi, không khí trong xe có vẻ nhẹ nhàng. Từ đó xuống Gò Dầu thì đường yên tịnh, nhưng vẫn còn e ngại người theo dõi.
 
Đến Gò Dầu, ban đêm, lính gác cổng không cho xe qua cầu. Giáo Hữu Của đậu xe lại bên đường rồi nhảy xuống nhanh nhẹn, đến chào người lính gác, to nhỏ một hồi rồi bắt tay thân mật. Người lính gác đến gần xe bật đèn piles rọi trong xe để khám xét. Lúc đó, Đức Hộ Pháp giả bộ quay qua phía Trung Tá Thoại nói chuyện, còn tôi ngồi trân trân, đưa bộ râu cho người gác rọi đèn coi.
 
Qua cầu bên kia lại gặp cổng đóng nữa, nên Giáo Hữu Của cũng lanh lẹ nhảy xuống bắt tay anh lính gác nên anh này mở cửa cho đi liền, vì đầu cầu bên kia đã xét rồi.
 
Xe qua khỏi cầu Gò Dầu thì mọi người đều nhẹ thở. Xe cứ tiến về phía ranh giới Cao Miên. Một chập sau, thấy đèn xe của ông Trưởng Tộc Út theo sau. Ai nấy đều an tâm.
 
Xe đến biên giới lối 5 giờ khuya. Trời còn tối, nhưng cũng có vài người gánh đồ đi bán qua lại cổng.
 
Tại biên giới, bên quốc gia lúc ấy chưa có đóng bót, chỉ bên Campuchia có bót gác khoá cổng, chưa cho xe qua lại. Đến đó xe ngừng. Ai nấy xuống xe xả hơi và được thở nhẹ nhàng như vừa thoát khỏi cảnh ngục trần gian, mong đặng sống trong cảnh tự do.
 
Vì Giáo hữu Của lo giấy tờ tạm. Chỉ được cho Đức Hộ Pháp, tôi và Cô Hai Đạm mà thôi, còn ba cậu thanh niên thì không có. Thừa dịp lính trong bót ngủ, Giáo hữu Của nói với ba cậu (Thoại, Bạch, Hiệu): "Qua cổng đi bộ trước, rồi xe sẽ theo rước".
 
Ông sếp bót vì còn say ngủ, không ra xét xe, nên Giáo hữu Của quen thuộc việc "phải quấy" vào bót gọi ông sếp dậy, đưa giấy tờ cho ông ta xét và ghi sổ xong xuôi rồi tự mình ra mở cổng cho xe qua.
 
Khi ấy, xe ông Trưởng tộc Út cũng theo tới. Hai đàng phải tạm biệt nhau, lòng quyến luyến bùi ngùi, nhưng rồi cũng phải chia tay kẻ đi người ở lại, nửa vui thoát vòng hắc ám, nửa buồn vì cảnh chia ly.
 
Xe Đức Hộ Pháp qua cổng rồi, ông Trưởng tộc Út quay xe trở về báo tin cho Bà Tám và mọi người hay rằng Đức Hộ Pháp đã qua biên giới bình yên. Đến sáng ngày, xe đến Soài Riêng, ghé lại vệ đường đổ xăng, thấy thiên hạ buôn bán tấp nập dập dìu, thừa dịp, ra mua bắp nấu và bánh trái ăn đỡ lòng, rồi lên đường, không có ghé Thánh Thất.
 
Lối 10 giờ trưa, đến Hố Lương (tức Neak Luong), xe đậu lối 15phút mới qua "bắc" được. Nơi bến "bắc" này, người ở cũng đông đúc. Phố xá cũng nhiều, buôn bán coi mòi sung túc lắm.
 
Khi xe qua bên kia bờ biên sông thì có ông Giám Đạo Huỳnh Hữu Lợi ngồi xe hơi xuống chờ đón rước, mừng rỡ nhau. Ông Giám Đạo cho xe chạy trước dẫn đường, xe Đức Hộ Pháp theo sau. Lối 11 giờ, tới Nam Vang, ghé đền thờ Phật Mẫu (Báo Ân Đường) có chức sắc, chức việc và đạo hữu đông đảo đón tiếp chào mừng. Đức Hộ Pháp và đoàn tùy tùng lên đảnh lễ Đức Chí Tôn và Phật Mẫu xong, bà Đạo Nhơn Võ Hương Nhâm sắp đặt chỗ nghỉ ngơi cho Đức Hộ Pháp và mọi người trong đoàn.
 
Qua ngày sau, Đức Hộ Pháp viết thư cho Quốc Vương Norodom Sihanouk hay tin và xin hưởng chế độ "lánh nạn chánh trị". Tin ấy làm cho chánh quyền Cao Miên xôn xao không ít. Vì họ không biết Đức Hộ Pháp lên Nam Vang hồi nào và đi đường nào mà cả cơ quan an ninh, công an, cảnh sát của họ không ai biết. Báo hại, khi rõ Đức Hộ Pháp qua biên giới ngả Soài Riêng thì toàn bót gác ở biên giới đều bị phải đổi đi hết.
 
Âu cũng là một "chuyến đi lịch sử". Lạ lùng làm sao cho nhiều người bàn tán, như là chuyện thần thoại ky kỳ.
 
(Bảo đạo Hồ Tấn Khoa:"Một chuyến đi lịch sử" - Tây Ninh, Thông tin số 21 [trang 12-14] và 22 [trang 11, 12, 13] ra ngày 25-1- Tân Hợi [20-2-1971]).
 
Tóm lại:
 
Vào đầu tháng 8 năm Ất Mùi, vị cựu Tổng Tư lịnh quân đội Cao Đài (Nguyễn Thành Phương), sau khi được quốc gia hoá ra lịnh lập Ban Thanh Trừng, bắt nhiều đạo hữu giam cầm. Một số thiếu nữ trong đạo cũng bị câu lưu mấy tháng và ép buộc phải khai nhiều điều khiếm nhã cho Đức Ngài.
 
Còn chính Đức Ngài cũng bị cầm lỏng tại Hộ Pháp Đường, xung quanh có quân đội võ trang canh phòng từ 20-8- Ất Mùi (1955) đến mồng 5 tháng Giêng năm Bính Thân (1956). (Diễn văn của Đức Cao Thượng Sanh đọc nhân lễ kỷ niệm Triều Thiên của Đức Hộ Pháp năm 1964).
 
Ban Thanh Trừng của Tướng Nguyễn Thành Phương bị toàn đạo lên án nặng nề. Nguyễn Thành Danh, vừa là anh ruột, vừa là cố vấn chánh trị cho Nguyễn Thành Phương, đưa ra thuyết lý "khổ nhục kế", để biểu lộ hành động nông nổi của nhóm họ.
 
Khổ nhục kế là gì? Trong "Tam Quốc Chí", chuyện khổ nhục kế nổi nhất là lão tướng Huỳnh Cái xin Chu Du đánh đòn nặng mình để ông qua đầu Tào Tháo, rồi sau đó dùng lửa đốt quân Tào Tháo trên sông Xích Bích. Vậy, chuyện ở đây, ai đóng vai Chu Du? Ai đóng vai Huỳnh Cái? Giải thích khổ nhục kế mà Nguyễn Thành Danh nói như thế nào cho hợp lý đây? Chỉ có một câu nói cho vừa tầm vóc với hành động tố khổ SƯ PHỤ của Nguyễn Thành Phương:"Đây là cuộc thanh trừng nội bộ lớn nhất trong lịch sử đạo Cao Đài!".
 
Trước kia, Tư Mắt Nguyễn Phát Trước tố khổ Đức Cao Thượng Phẩm cho tới chết. Nguyễn Phan Long (sau làm Thủ Tướng) tố khổ Đức Quyền Giáo Tông phải thất chí mà Qui Tiên. Nay thì Nguyễn Thành Phương xuyên tạc, bôi bác Đức Hộ Pháp phải phẫn chí, buồn lòng mà qua đời. Những tội lỗi đó được gọi là khổ nhục kế được sao?
 
Có thể là hình ảnh đen trắng về 1 người, đang ngồi và văn bản cho biết 'ĐỨC HỘ PHÁP ĐĂNGTIÊN TIÊN'
 
Khổ nhục kế để Đức Hộ Pháp phải ra đi ư? Đó là trúng kế Ngô Đình Diệm, để đạo mất đầu, sau đó họ đàn áp đạo suốt 9 năm trời (1955-1963), cớ sao gọi là khổ nhục kế?
 
Giả sử, Ngô Đình Diệm cho mật vụ ám sát Đức Hộ Pháp hoặc bắt Đức Ngài bỏ tù thì cố vấn chánh trị Ngô Đình Nhu không bao giờ muốn chọc tay vào tổ ong có mạng lưới khắp cả miền Nam như tôn giáo Cao Đài. Ngô Đình Nhu cũng không muốn đổ thêm dầu vào lửa, vì tình hình giữa chánh phủ và Mặt Trận Liên Tôn đã đổ vỡ. Không cách nào hơn, Ngô Đình Nhu dùng mẹo "ném đá giấu tay", mà người thi hành kế là Nguyễn Thành Phương - được Nhu hứa hẹn cho nhiều quyền lợi mà chịu "nối giáo cho giặc đạo". Người đạo lúc, ai ấy lại không biết chuyện đó, biện minh mà chi!
 
Hậu quả của cuộc thanh trừng rất lớn. Ngày 20-3- Bính Thân, trên đất Cao Miên, Đức Phạm Hộ Pháp đưa ra "Bản Tuyên Ngôn" xác nhận rõ việc lập quân đội Cao Đài như sau:
 
"Sau 5 năm 2 tháng bị đồ lưu nơi hải ngoại, Bần Đạo để hết sức lực và tâm não đặng nghiên cứu và thi hành các phương pháp bảo vệ phong trào cách mạng và giải ách lệ thuộc giống nòi, lại tìm phương hay bảo thủ tinh thần dân tộc, hầu đủ phương thống nhất hoàn đồ, tránh nạn Nam Bắc phân tranh, nồi da xáo thịt ...
 
Khi Đức Bảo Đại về nước, chính Bần Đạo giao trọn quyền sử dụng quân đội Cao Đài cho Đức Ngài (Bảo Đại) điều khiển trong hàng ngũ quân lực Quốc Gia. Khi Đức Ngài đi Pháp, tạm giao quân lực ấy lại cho Bần Đạo, trong lúc vắng mặt. Đức Ngài (Bảo Đại) đã ra lịnh cho hai Chánh phủ Nguyễn Văn Tâm và Bửu Lộc thi hành hợp pháp quốc gia hoá quân đội Cao Đài. Nhưng sự thi hành ấy vẫn kéo dài cho tới Chánh phủ Ngô Đình Diệm thọ phong toàn quyền cũng chưa quyết định. Bần Đạo phải nhắc nhở và yêu cầu Chánh phủ Ngô Đình Diệm quốc gia hoá quân đội Cao Đài một cách hợp pháp. (Chánh phủ Ngô Đình Diệm đã quốc gia hoá quân đội Cao Đài vào ngày 2-5-1955).
 
Bần Đạo không buổi nào muốn giải quyết vận mạng nước nhà với quân lực, mà chỉ dùng phương pháp đạo đức, đặng đem hoà bình hạnh phúc cho giống nòi".
 
Đức Phạm Hộ Pháp giáng cơ ngày 10-3-1971, nói lên nỗi đau của tình huynh đệ bị cấu xé: "Cái đau đớn nhứt của tình cốt nhục là tự cắt tay nhau cho thành người tàn phế".
 
Cái hậu quả bao vây Toà Thánh bằng vũ lực của anh em quân đội rất trầm trọng, làm cho quân đội trong nhà phải đối đầu nhau. Nguyễn Thành Phương chiếm đóng vùng chợ Long Hoa đến Cửa Số 6. Đại Tá Huỳnh Thanh Mừng đóng quân từ Núi Bà đến Cửa Hoà Viện, quyết sống mái với Tướng Phương. Còn Thiếu Tá Nguyễn Văn Đờn kéo quân vào đóng trong nội ô Toà Thánh, với chiêu bài ngăn chặn hai nhóm kia. Những hành động đó cho ta thấy quân đội đã rệu rã phân hoá đến cùng tột. Sau đó, bản thân Nguyễn Thành Phương cũng không được Ngô Đình Diệm đền ơn đáp nghĩa gì mà còn phải ra Toà về tội tàng trữ vũ khí trái phép. Nguyễn Thành Phương cố thử uy tín mình lần cuối bằng cách ra ứng cử Phó Tổng Thống liên danh với Nguyễn Đình Quát. tại tỉnh Tây Ninh, Phương đã thua phiếu xa liên danh Trương Đình Du - chủ trương nói chuyện với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.
 
Ngày tàn của Nguyễn Thành Phương, linh cữu không được đi qua Hộ Pháp Đường để chào SƯ PHỤ lần cuối và cũng không được đến Đền Thánh để hành lễ Đức Chí Tôn. Ai tai!!!
 
Đối với dân đạo, cuộc "thanh trừng" làm xáo trộn nếp sống sinh hoạt hàng ngày và đời sống kinh tế của nhiều người vì Ban Thanh Trừng bắt bớ bất cứ ai chống hoặc nghi ngờ trung thành với Đức Hộ Pháp, với dân đạo trước năm 1945. Còn đối với dân đạo từ năm 1952 đến năm 1954, họ hăm doạ, răn đe cho hồi cư về quê cũ.
 
Nhóm trí thức đến giúp đạo trong thời kỳ này bỏ đi. Các cơ sở trường học thiếu thầy giáo trầm trọng, kéo theo học sinh phải bỏ trường tản lạc khắp nơi, liu chiu lít chít như bầy gà lạc mẹ. Hậu quả tang thương, đau buồn thái quá như thế mà bảo là "khổ nhục kế" sao?
 
Tờ Thế Đạo tháng 5 năm 1970 lên án nhóm "thanh trừng" gắt gao hơn cả, điển hình là bài:
 
VẾT CŨ ĐỪNG LOANG
 
Ngày ấy Ất Mùi hai mươi tháng Tám,
Đội lốt người, một bầy chồn cáo săn.
Ăn cơm đạo bợn còn dính kẽ răng,
Quay cắn ngược, bất cần ai chủ tớ.
Nhưng tất cả vẫn phẳng lì không ngạo nghễ,
Nhìn cáo chồn cùng đồng bọn cuồng điên.
Say nhăn nhố với bã lợi mồi tiền,
Làm tất cả để được lòng chủ mới.
Qua bao cuộc phế hưng dời đổi,
Bọn phản Thầy ăn dãi được bao?
Hay nhớ lại chỉ nuốt lệ nghẹn ngào,
Mới thấm bài: "Vắt chanh bỏ vỏ".
Đấy, đã rõ ràng thế đó,
Thiệt hư ranh giới đã chia bờ,
Đừng dại khờ bước vào dấu xe đã đổ,
Vết cũ đừng loang để Sử Đạo không nhơ!
 
(Trích: "Đạo nghiệp Đức Hộ Pháp", trang 279-288)
Chủ đề này đã được sửa đổi2 years Trước đây bởiThanh Tam
Trích dẫn
Người bắt đầu chủ đề Đã đăng : 11/01/2022 1:35 am
Chia sẻ: