Kính Chào Qúy Vị Đến Diễn Đàn Hội Thánh Phục Quyền.

Thông báo
Làm sạch tất cả

NỖI OAN KHUẤT CỦA GIÁO SƯ THƯỢNG BẢY THANH

thanhlong
(@thanhlong)
New Member Admin

Kính :

- Hội Thánh

- Quý Chức sắc Thiên phong

- Quý Chức việc

- Cùng toàn thể quý đồng đạo.

Trước hết, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn thành viên Chí Thành đã mạnh dạn khởi tạo chủ đề mang tính chất nhạy cảm này và qua đó cũng tỏ lòng mong muốn truy tìm sự thật lịch sử còn nhiều ẩn khuất để diễn đàn chúng ta thảo luận, đóng góp hầu làm sáng tỏ dư luận nửa đáng tin, nửa đáng ngờ vì không có tài liệu lịch sử nào ghi nhận, chỉ là những lời truyền khẩu qua nhiều thế hệ.

Chúng tôi cũng xin cảm ơn hiền tỷ Anh Thư đã có đóng góp tư liệu quý báu về nguồn gốc hình thành các Thánh Thất của Đạo Cao Đài ở Kampuchea, đặc biệt là Thánh Thất Kiêm Biên, cũng như hình ảnh các vị tiền bối đã dày công phát triển Đạo tại Nam Vang và các tấm gương anh dũng hy sinh của hậu duệ để bảo vệ chiếc nôi truyền giáo ra nước ngoài này.

Sau một tháng chờ đợi, chúng ta cũng không nhận được sự đóng góp tư liệu hợp lệ nào về bức thư được cho là của Giáo Sư Thượng Bảy Thanh (Lê Văn Bảy) đã tố cáo Đức Hộ Pháp như lời truyền tụng. Chúng tôi cũng đã hân hạnh được tiếp nhận email của một đồng đạo, hiền huynh ấy nói rằng hiện có bản photocopy lá thư viết tay này từ sự lưu truyền ở hải ngoại, nhưng xét thấy không có cơ sở khả tín để kết luận là lá thư do chính GS Bảy viết. Nay, huynh ấy được nhìn thấy nét chữ của GS được viết ở mặt sau bức ảnh "Gia quyến 3 vị Giáo Sư ở Hội Thánh Ngoại Giáo" nên đã khẳng định bức thư huynh hiện có không phải là chữ viết của GS Bảy. Chúng tôi đã xin bức thư này để kính trình quý đồng đạo xem qua nhưng huynh ấy không đồng ý vì cho rằng đã xác định là không thực mà vẫn trình bày chỉ thêm mang tội lỗi nên xin phép không chuyển đến chúng tôi.

Nghĩ rằng đã đủ thời gian để kết thúc vấn đề sau hơn 700 lượt người xem qua chủ đề này nên hôm nay, chúng tôi xin được phép trình bày vấn đề dựa trên những tài liệu chúng tôi thu thập được. Kính mời quý đồng đạo theo dõi.

I- NGUYÊN NHÂN VỀ SỰ RẠN NỨT GIỮA THÁNH THẤT BẮC HÀ VÀ TÒA THÁNH TÂY NINH.

Chúng tôi căn cứ vào tài liệu của những người trong cuộc của "Vụ Án Thánh Thất Lê Lợi" (Hà Nội) do Phó Trị Sự Phạm Tài Đoan (về sau được Đức Hộ Pháp ân phong Lễ Sanh) - một chức việc đã tham gia hành đạo ngay từ khi Thánh Thất Lê Lợi mới được thành lập - đã viết lại trong quyển "Bước thăng trầm của Đạo Cao Đài 21 năm đầu tại Bắc Việt" và "Vụ án của Giáo Sư Thượng Bảy Thanh" (được hoàn tất vào ngày 03 tháng Ba năm Kỷ Tỵ - DL: 08/4/1989) để nêu lên một sự thật lịch sử mà ông là chứng nhân cho việc Giáo Sư Thượng Bảy Thanh đã gánh chịu hàm oan cho đến ngày hôm nay.

Kết thúc oan nghiệt mà GS Bảy đã nhận lấy là Thánh Lịnh Trục Xuất của Tòa Thánh Tây Ninh dành cho ông cùng 20 vị Chức việc có bề dầy công nghiệp xây dựng, phát triển và gìn giữ Thánh Thất Lê Lợi cho đến ngày Đạo Cao Đài ở Bắc Việt được hợp nhất vào năm 1948. Chính một số trong những Chức việc này về sau đã được Đức Hộ Pháp truy xét và ân phong, xem như một sự bồi hoàn danh dự cho quyết định oan khiên thuở trước (Đính kèm bên dưới).

Rất tiếc, vì tài liệu đã nêu lên nhiều tình tiết sự kiện thuộc lãnh vực tế nhị nên nếu scan nguyên bản đính kèm e bất lợi nên chúng tôi chỉ đúc kết những chứng lý trọng tâm do những người trong cuộc nói lên sự thật để giải trình "vụ án".

II- GIÁO SƯ BẢY BỊ QUY KẾT NHỮNG TỘI GÌ?

1- Tội thứ nhất: Thâm lạm công quỹ Đạo.

Trong quyển "Đại Đạo Sử Cương", tác giả Vân Đằng - Trần Văn Rạng - đã viết:

"Trong năm 1933, Nhà Chức trách ở Tây Ninh có nhờ Nhà Chức trách ở Kiêm Biên (Nam Vang) bên Cao Miên dẫn độ ông Lê Văn Bảy về Tây Ninh vì ông Lê Văn Bảy đã bị ông Đầu Sư Ngọc Trang Thanh (Lê Bá Trang) tố cáo thâm lạm công quỹ của Tòa Thánh Tây Ninh".

Vào năm 1933, tình hình Tòa Thánh Tây Ninh vô cùng rối rắm. Tờ Châu Tri số 1 của Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung và Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đã thay đổi toàn bộ các cấp Hành chánh Đạo, tạo nên sự xáo trộn nội bộ. Vào ngày 22 tháng 3 năm Quý Dậu (Chúa Nhật, 16/4/1933), Hội Thánh nhóm họp tại Tòa Thánh dưới quyền triệu tập của Quyền Đầu Sư Ngọc Trang Thanh với mục đích:

- Bãi bỏ Châu Tri số 1.

- Không công nhận một số bài Thánh Ngôn do Đức Hộ Pháp tiếp nhận ở Kiêm Biên.

- Không công nhận bài ơn trên giáng điển do Đức Hộ Pháp chấp bút tại Tây Ninh và đàn cơ tại Thảo Xá Hiền Cung.

- Xét nhiều việc kiện tụng Đức Quyền Giáo Tông.

Thành phần tham dự gồm:

- Thời Quân Hiệp Thiên Đài: Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu, Hiến Đạo Phạm Văn Tươi, Bảo Thế Lê Thiện Phước.

- Cửu Trùng Đài gồm: Đầu Sư Thượng Tương Thanh, Đầu Sư Ngọc Trang Thanh.

- Nghị trưởng: Thượng Sanh Cao Hoài Sang.

- Từ hàn: Giáo Sư Thượng Bảy Thanh (Lê Văn Bảy).

Thời gian này, GS Bảy là thư ký riêng cho Đức Quyền Giáo Tông và Đức Hộ Pháp nên rất được tin tưởng và giao phó nhiều việc trọng yếu. Ngày 01/3/Quí Dậu (DL: 26/3/1933), ông đảm nhiệm chức vụ Quyền Thượng Thống Lại Viện. Ngày 19/5/Quý Dậu (DL: 11/7/1933) là ngày Đại Hội Quyền Vạn Linh, GS Bảy được Đức Quyền Giáo Tông và Đức Hộ Pháp cử làm Đại diện cho 2 Ngài trong Đại Hội này.

Vì là thư ký nên GS Bảy giữ chìa khóa tủ hồ sơ. Các hồ sơ mặc dù minh bạch nhưng nếu với mục đích "bới lông tìm vết" sẽ có thể gây nhiều rắc rối cho Đức Quyền Giáo Tông và Đức Hộ Pháp nên GS Bảy đã hủy bỏ các hồ sơ ấy và cầm hết các chìa khóa tủ tại văn phòng Đức Quyền Giáo Tông đem lên Kiêm Biên. Ông Quyền Đầu Sư Ngọc Trang Thanh muốn lấy số chứng từ đang lưu giữ tại văn phòng Đức Quyền Giáo Tông để làm bằng chứng lật đổ Đức Quyền Giáo Tông và Đức Hộ Pháp nhưng không có chìa khóa nên phải nhờ Quan Tham Biện (Tỉnh Trưởng) Tây Ninh can thiệp với Quan Tham Biện Nam Vang dẫn độ GS Bảy về Tây Ninh. Muốn được việc, nếu nhờ dẫn độ GS Bảy về Tây Ninh chỉ vì mục đích lấy chìa khóa tủ thì chắc chắn chính quyền Pháp không can thiệp vì đó là việc của nội bộ Đạo Cao Đài nên ông Q. Ngọc Đầu Sư mới tố cáo thêm là GS Bảy đã thâm lạm công quỹ của Tòa Thánh để chính quyền có lý do xúc tiến vì đây thuộc về tội hình sự. Và chính quyền đã thực hiện di lý GS Bảy từ Nam Vang về Tây Ninh để làm rõ.

Kết quả là chính quyền Pháp không có cơ sở để quy kết GS Bảy về tội thâm lạm công quỹ này.

Như vậy, chúng ta xét thấy:

- Nếu GS Bảy thực sự thâm lạm công quỹ thì tại sao chính quyền Pháp không truy tố GS Bảy ra tòa? Có thể nào chính quyền Pháp vốn muốn diệt Đạo Cao Đài mà lại bỏ qua một cơ hội vàng để bỏ tù Chức sắc Đại diện cho Đức Quyền Giáo Tông lẫn Đức Hộ Pháp và nắm lý do này để triệt hạ Tòa Thánh?

- Hơn nữa, hệ thống Cửu Viện của Tòa Thánh Tây Ninh đã được thành lập và phân nhiệm cụ thể. Vai trò của Hộ Viện đâu? GS Bảy chỉ phụ trách Lại Viện thì làm sao được phép giữ tiền để có điều kiện thâm lạm?

- GS Bảy cất giữ chìa khóa, đem về Kiêm Biên vì muốn bảo vệ uy tín Đức Quyền Giáo Tông và Đức Hộ Pháp trước sự cố tình kiếm chuyện bươi móc nhằm hạ bệ 2 Đức Ngài của phe nhóm ông Trang + Tương chứ không là hành động trốn lánh sau khi "thâm lạm".

Sau khi hãm hại 2 Ngài không được, ông Trang cùng với ông Tương đã tách khỏi Tòa Thánh Tây Ninh, ra lập chi phái riêng.

Về việc có hay không sự thâm lạm công quỹ của GS Bảy, Lễ Sanh Phạm Tài Đoan đã viết trong quyển "Vụ án Giáo Sư Thượng Bảy Thanh", trang 19, như sau:

"Ta không thể vì tình cảm riêng mà hấp tấp bênh vực GS Thượng Bảy Thanh hoặc vì ghen ghét mà kết tội ông ta được. Trong 10 năm trời (1954-1964), chính tôi -tác giả- lúc đó đang ở Tòa Thánh Tây Ninh, được nhiều dịp gần gũi tiếp chuyện cùng các Chức sắc cao cấp của Tòa Thánh như Đức Hộ Pháp, Đức Thượng Sanh, Khai Đạo Phạm Tấn Đãi, Đầu Sư Thượng Sáng Thanh, Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu, Nữ Đầu Sư Hương Hiếu, Tiếp Pháp Trương Văn Tràng... cho đến các anh chị em đồng tuế với GS Thượng Bảy Thanh, tôi không nghe ai nói về việc thâm lạm công quỹ này của GS Bảy" .

Về đức tính liêm khiết của GS Bảy trong những năm hành đạo tại Bắc Việt, Lễ Sanh Phạm Tài Đoan đã viết:

"Gần gũi và làm việc với GS Thượng Bảy Thanh hàng mấy năm trời tại Bắc Hà,chúng tôi biết rõ ông là người mà đồng tiền không thể mua chuộc được. Về vấn đề tiền nong, chúng tôi khẳng định không thẹn với lương tâm là ông GS Bảy rất liêm khiết. Chúng tôi không mù quáng tin ngay vào tính tình của ai, chúng tôi thường bí mật theo dõi ông ta hàng ngày. Ông GS Bảy được Hội Thánh Ngoại Giao điều động ra Bắc Việt, tại đây, ông không khác gì một viên tướng, có quyền làm mưa, làm gió nơi biên ải, xa Triều đình. Ông có quyền sử dụng công quỹ Đạo, nhưng không, ông không bao giờ đụng tới một xu của Đạo. Công sức của người nghèo làm ra một xu vất vả hơn kẻ giàu kiếm 100 đồng nên ông rất dè dặt trong mọi chi tiêu. Ông không bao giờ cầm giữ tiền, ông giao cho Ban Kiểm soát Tài chính gồm 3 người, trong đó có tôi và 2 người nữa không ở trong Ban Cai Quản. Ở bên Trung Hoa, gặp khi tiền chưa gởi qua kịp, anh Kim Sa đi làm lơ xe (Ét ôtô), lao động kiếm tiền một cách chân chính..."

2- Tội thứ hai: Phân phe chia phái.

a/ Tình hình Đạo tại Bắc Việt:

Trước năm 1937, Địa Phận Đạo Bắc Việt (Trấn Đạo Bắc Việt) trực thuộc Tòa Thánh Tây Ninh (TTTN) dưới sự lãnh đạo của Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh. Khi Đạo Cao Đài đã tương đối ổn định, các vị truyền giáo của TTTN nghĩ rằng đã đến lúc trao lại quyền điều hành Đạo cho nhơn sanh Bắc Hà để trở về Nam sau khi hoàn thành sứ mệnh thiết lập cơ sở ban đầu. Tuy thế, ông Tiếp Thế, Trưởng Phái đoàn TTTN vẫn lo âu, ông tiên liệu giai đoạn tới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì Thực dân Pháp sẽ không buông tha cho Đạo Cao Đài khi đã vững mạnh. Theo ông, lúc TTTN mới gieo hạt Thánh Cốc đầu tiên, Chính quyền Pháp chưa cần ra tay cản trở hoặc phá hoại vì Pháp cho rằng hạt Thánh Cốc này không thể nẩy mầm trên mảnh đất sỏi đá khô cằn, đầy chướng ngại vật do Chính phủ Pháp cố tình đặt trên đường phát triển của Đạo Cao Đài và nếu hạt mới nhu nhú nẩy mầm non lên thì cũng sẽ bị sâu bọ gặm nát hoặc thời tiết thất thường làm cho tàn lụi. Nay, thấy hạt giống Cao Đài đã vươn lên thành cây cao cứng cáp nên Pháp sẽ tìm cách phá hoại vì sợ cây này phát triển thành đại thụ, cản đường thống trị của Pháp. Vì thế, Đạo Cao Đài cần phải có nhân tài đủ bản lãnh và trình độ mới chống chọi nổi. Đồng đạo đất Bắc không hiếm người có tài, nhưng tất cả đều mắc kẹt trong vị thế là công chức Nhà nước, khó mà hoạt động hữu hiệu được. Hơn nữa, kinh nghiệm và giáo lý cũng chưa thật sự vững vàng nên cần có người thông suốt để giải đáp cho những người đến tìm hiểu Đạo, trong đó không ít là giới trí thức của xứ nghìn năm văn vật.

Tuy Bắc Việt nằm trong đất nước Việt Nam nhưng các vị truyền giáo từ TTTN ra hành đạo tại Bắc Việt gặp nhiều khó khăn không khác gì đi ra nước ngoài vì Bắc Việt thuộc quyền bảo hộ của Pháp, có quy chế khác với Nam Việt (là một thuộc địa). Do đó, Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh đã xin TTTN đặt Địa Phận Đạo Bắc Việt trực thuộc HTNG để việc đưa người lãnh đạo ra Bắc thuận lợi vì Nam Vang cùng chung quy chế bảo hộ của Pháp, giống như Bắc Việt. Vì thế, TTTN đã chấp nhận đề nghị hợp lý của ông Tiếp Thế, đặt Điạ Phận Đạo Bắc Việt trực thuộc HTNG.

Sau đó, ngày 27 tháng Giêng năm Đinh Sửu (DL: 11/3/1937), GS Thượng Bảy Thanh được Hội Thánh Ngoại Giao thuyên bổ ra truyền giáo tại Bắc Việt, thay thế cho Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh.

Thánh Thất Lê Lợi có mầm móng chia rẽ xuất phát từ Lễ Sanh Thượng De Lagarde Thanh, người Pháp. Ông này trước kia giữ chức Đầu Họ Đạo Hà Nội (Khâm Châu), sau, tự ý xin nghỉ hành đạo. Vợ ông ta là bà Lễ Sanh Hương Trụ (Nguyễn Thị Trụ, quê Cần Thơ) có điểm bất hòa với bà Lễ Sanh Hương Lộc (Nguyễn Thị Lộc) về chuyện riêng, không dính líu gì tới việc Đạo. Khi nhơn sanh công cử bà Hương Lộc vào vị trí Đầu Họ Đạo Hà Nội, thay thế ông De Lagarde, thì ông De Lagarde sinh ra tỵ hiềm với GS Bảy và Ban Cai Quản Thánh Thất vì ý ông ta muốn đưa vợ vào thay thế. Từ đó, ông ta cấu kết với Lễ Sanh Thượng Ráng Thanh (Nguyễn Văn Ráng) để hãm hại GS Bảy và đồng sự.

Lễ Sanh Ráng mới được Tòa Thánh Tây Ninh bổ đến Hà Nội để tổ chức cơ sở Phạm Môn, nhưng GS Bảy và Ban Cai Quản Thánh Thất Lê Lợi nhận xét là chưa đến thời cơ thích hợp vì có rất nhiều tai mắt của mật vụ Pháp đang theo dõi sự trưởng thành của Thánh Thất Lê Lợi, nếu lập cơ sở Phạm Môn vào thời điểm này là điều không nên, Pháp sẽ có cớ để tiêu diệt luôn cả Thánh Thất Lê Lợi vì Pháp cho rằng Phạm Môn là cơ sở kinh tài của Đạo Cao Đài, là tổ chức trá hình làm quốc sự, có nghĩa là Thánh Thất Lê Lợi là cơ sở ẩn mình để chống Pháp, là "Hội Kín".

Do không thể thực hiện nhiệm vụ được nên Lễ Sanh Thượng Ráng Thanh cùng với Lễ Sanh Thượng De Lagarde Thanh lập báo cáo vu kết Thánh Thất Lê Lợi chống đối kế hoạch của Tòa Thánh dẫn đến hệ quả cuối cùng là Thánh Thất Lê Lợi nhận được Thánh Lệnh không thừa nhận từ Tòa Thánh.

Giáo Sư Ngọc Non Thanh (Hồ Văn Non) được Tòa Thánh Tây Ninh bổ nhiệm ra Bắc thay thế GS Bảy (đang đi truyền giáo ở Trung Hoa). GS Non nghĩ rằng sẽ tốt hơn khi sử dụng ông Tây De Lagarde nhiều tiền và lắm thế lực nên phúc trình về Tòa Thánh, đề nghị bổ nhiệm ông Lễ Sanh Thượng De Lagarde Thanh vào chức vụ Đầu Địa Phận Đạo Bắc Việt (Khâm Trấn Đạo). Mười ngày sau phúc trình của GS Ngọc Non Thanh, Tòa Thánh ra Thánh Lệnh không thừa nhận Thánh Thất Lê Lợi là đơn vị thuộc quyền và cho phép ông De Lagarde thành lập Bắc Tông Đạo (danh từ mới thay cho Địa Phận Đạo Bắc Việt) bất kể ông Giáo Hữu Thái Abadie Thanh vẫn còn đang tại nhiệm chức vụ Đầu Địa Phận Đạo Bắc Việt đã được Tòa Thánh phân bổ (vì cho rằng ông Abadie cũng là phe cánh của GS Bảy)!

Đồng đạo Bắc Việt không hề nao núng trước Thánh Lệnh không thừa nhận Thánh Thất Lê Lợi của Tòa Thánh Tây Ninh, mà trái lại, mọi người đều ý thức rất cao trách nhiệm đối với tương lai nền Đạo tại Bắc Việt. Nếu thối chí mà bỏ Đạo, đóng cửa Thánh Thất thì Đạo sẽ tan rã nên Ban Cai Quản càng cố gắng duy trì hoạt động và phát triển thêm được hai Hương Đạo nữa là Giảng Võ và Đồng Than.

Tuy Tòa Thánh đã đặt Thánh Thất Lê Lợi ngoài hệ thống quản lý nhưng GS Ngọc Non Thanh vẫn được đồng đạo Thánh Thất Lê Lợi bao dung cho trú ngụ ở Thánh Thất khi ông De Lagarde chưa lập được Thánh Thất mới mặc dù họ có quyền mời GS Non ra ngoài tự tìm chỗ ở vì Thánh Thất Lê Lợi không còn trực thuộc Tòa Thánh Tây Ninh nữa!

Đến tháng 4/1940, ông De Lagarde mới thành lập được Thánh Thất ở số 17, phố Chùa Vua. Từ đó, Đạo Cao Đài ở Bắc Việt chia làm 2 phe:

- "Phe" Thánh Thất Lê Lợi, do đồng đạo tự quản lý (GS Bảy đã đi truyền đạo ở Trung Hoa) với 10.000 tín đồ.

- "Phe" Thánh Thất Chùa Vua, trực thuộc Tòa Thánh Tây Ninh, do GS Ngọc Non Thanh và Lễ Sanh Thượng De Lagarde Thanh lãnh đạo, với 30 tín đồ từ Thánh Thất Lê Lợi sang (chỉ bằng 3 phần ngàn so với Thánh Thất Lê Lợi).

Dù Thánh Thất Lê Lợi bị bỏ rơi nhưng vẫn kết hợp với Thánh Thất Chùa Vua, vẫn giúp nhau bảo vệ Đạo, không hiềm khích, chia rẽ. Người ngoại đạo nghĩ rằng Thánh Thất Chùa Vua là chi nhánh của Thánh Thất Lê Lợi vì nơi nào cũng trương bảng "Tòa Thánh Tây Ninh". Từ ngày thành lập đến năm 1948 (năm Đạo thống nhất ở Bắc Việt), Thánh Thất Chùa Vua không phổ độ được thêm một người nào trong khi Thánh Thất Lê Lợi vẫn phát triển đều đặn. Có người, trước ở Thánh Thất Lê Lợi, sau đó sang sinh hoạt ở Thánh Thất Chùa Vua 3 tháng, rồi cũng trở về Thánh Thất Lê Lợi.

Sự yếu kém của GS Ngọc Non Thanh đã khiến Tòa Thánh phải triệu hồi ông về, bổ nhiệm Giáo Hữu Thái Đến Thanh (Nguyễn Văn Đến) ra thay thế vào đầu năm 1941. Sau 3 năm đảm nhận trách nhiệm, GH Thái Đến Thanh khi ra Bắc Việt với hai bàn tay trắng thì khi trở về Tòa Thánh cũng vẫn trắng hai bàn tay!

b- Việc trục xuất Giáo Sư Bảy cùng 20 vị Chức Việc:

Tình hình đạo sự tại Bắc Việt phát triển tốt đẹp dưới sự lãnh đạo của GS Bảy. Sau khi ổn định, mọi việc đã đi vào nề nếp, GS Bảy giao lại cho Ban Cai Quản tự quản lý Thánh Thất, rồi ông tiếp tục đi truyền đạo ở Trung Hoa.

Khi GS Bảy đã sang Trung Hoa, Tòa Thánh Tây Ninh không bàn bạc với HTNG mà đột ngột ban Thánh Lệnh đặt Địa Phận Đạo Bắc Việt trực thuộc Tòa Thánh trở lại (trước đó, Tòa Thánh đã chấp nhận đề nghị của Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh, đồng ý đặt Thánh Thất Lê Lợi trực thuộc Hội Thánh Ngoại Giao). Điều này có nghĩa là Tòa Thánh Tây Ninh đã tước đoạt vai trò của HTNG và GS Bảy đương nhiên không còn nhiệm vụ ở đất Bắc.

Sau đó, Ban Cai Quản Thánh Thất Lê Lợi đã lập Thỉnh Nguyện Thư gởi về Tòa Thánh với 2 đề nghị:

- Tòa Thánh nên xác định rõ về quyền hạn quản lý vì Thánh Thất đã được TTTN phân bổ trực thuộc Hội Thánh Ngoại Giao nên mọi quyết định phải từ cơ quan trực tiếp chủ quản là HTNG. Nếu có thể thì TTTN thu hồi Thánh Lịnh lại vì việc ban Thánh Lịnh này không đúng về nguyên tắc tổ chức.

- Nếu không thể thu hồi Thánh Lịnh thì đề nghị Tòa Thánh ra Thánh Lịnh khác, điều động GS Bảy từ Hội Thánh Ngoại Giao về Hội Thánh Cửu Trùng Đài trực thuộc Tòa Thánh Tây Ninh và bổ nhiệm GS Bảy với vai trò đại diện TTTN ở Bắc Việt để việc hành đạo của GS Bảy được thuận lợi và phù hợp với tình thế, Tòa Thánh không nên bổ nhiệm ai thay thế vì GS Bảy hành đạo rất hiệu quả và đã thu phục được nhân tâm đất Bắc.

Việc lập Thỉnh Nguyện Thư này nhằm tránh gây xáo trộn ở Bắc Hà, mục đích chỉ là muốn lưu giữ vị chức sắc đã được nhơn sanh tín nhiệm để Đạo được phát triển tốt đẹp, tránh sự chồng chéo giữa TTTN và HTNG về mặt bổ dụng Chức sắc chứ không phải là sự phân chia phe phái vì Hội Thánh Ngoại Giao vẫn là một cơ quan trực thuộc Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh.

Nhận được Thỉnh Nguyện Thư này, thay vì nghiên cứu và dàn xếp cho ổn thỏa, ngày 17 tháng 8 năm Kỷ Dậu (DL: 10/10/1938), Tòa Thánh ra Thánh Lịnh giáng cấp GS Bảy xuống làm tín đồ và 4 ngày sau đó, ngày 21 tháng 8 năm Kỷ Dậu (DL: 14/10/1938) là Thánh Lịnh trục xuất GS Bảy ra khỏi Đạo vì cho rằng GS Bảy cầm đầu phát hành Thỉnh Nguyện Thư này với mục đích lập phe phái riêng chống lại Tòa Thánh trong khi GS Bảy đang ở Trung Hoa và không hay biết gì về Thỉnh Nguyện Thư do Ban Cai Quản Thánh Thất Lê Lợi tự lập vì sự nghiệp Đạo.

Ngày 10 tháng Mười năm Mậu Dần (DL: 01/12/1938), Tòa Thánh bổ nhiệm ông GS Ngọc Non Thanh ra Bắc Hà, khẳng định sự cương quyết của TTTN. GS Ngọc Non Thanh không đủ tài đức như GS Bảy và lại có tính cả nghe. Vì vậy, Lễ Sanh Thượng De Lagarde Thanh và Lễ Sanh Thượng Ráng Thanh mới có cơ hội to nhỏ, dẫn đến việc Tòa Thánh tiếp tục ra Thánh Lịnh trục xuất 20 Chức việc của Thánh Thất Lê Lợi. Nguyên do như sau:

Ngày 24 tháng 9 năm Kỷ Mão (Chúa Nhật, 05/11/1939), nữ Lễ Sanh Hương Lộc, Đầu Họ Đạo Hà Nội, chủ tọa phiên họp, đưa ra 3 điều thỉnh nguyện gởi về Tòa Thánh:

1- Xin xét lại việc đặt Địa Phận Đạo Bắc Việt trực thuộc Hội Thánh Ngoại Giao như Tòa Thánh đã công nhận từ thử theo đề nghị của Tiếp Thế Lê Thế Vĩnh (nhắc lại Thỉnh Nguyện Thư đã đề đạt hồi tháng 6).

2- Xin Tòa Thánh cử Chức sắc Bộ Pháp Chánh ra Bắc Việt điều tra lại việc GS Bảy bị kết tội phân phe chia phái mà không được xét xử theo đúng luật Đạo, GS Bảy đã không được đưa ra Tòa Tam Giáo, không có Cãi Trạng biện hộ hoặc do chính GS tự biện hộ và bản án cũng không được Đức Lý phê chuẩn.

(Điều thỉnh nguyện thứ hai này nhằm chứng minh Tòa Thánh Tây Ninh xét xử minh bạch, đúng luật Đạo và sẽ không mang tiếng hành xử bất công với một Chức sắc nếu thực sự GS Bảy có tội. Ngược lại, sẽ làm sáng tỏ sự thật mà hủy bỏ bản án, phục hồi danh dự và phẩm vị cho GS Bảy. Đó là lẽ công bằng!).

3- Kiến nghị Tòa Thánh Tây Ninh cầu xin các Đấng Thiêng Liêng giáng cơ cho dạy bài "Kinh Sám Hối" khác vì bài kinh đang sử dụng được lấy từ Minh Lý Đạo, trong đó nói nhiều về các hình phạt ở cõi âm, nay không còn phù hợp với giáo lý Cao đài và sự tiến hóa tâm linh, bất xứng với trình độ văn hóa , trình độ khoa học cũng như nhận thức của nhơn sanh tiến bộ, nhất là ở xứ Bắc Hà. Ngay hai câu mở đầu của bài kinh đã trái với giáo lý của Đạo, Đạo Cao Đài khuyên người rũ bỏ lợi danh để trở về với cuộc sống tâm linh, chớ nào xem:

"Cuộc danh lợi là phần thưởng quý
Đấng Hóa Công xét kỹ ban ơn"!

và cũng theo giáo lý, Đức Hộ Pháp đã "đóng Địa ngục, mở tầng Thiên" trong Kỳ Ba Đại Ân Xá thì còn đâu những hình phạt chốn A Tỳ như Kinh Sám Hối miêu tả?

Tòa Thánh Tây Ninh sau khi nhận được 3 đề nghị này, chẳng những không suy xét mà lại tiếp tục ra Thánh Lệnh trục xuất 20 vị Chức việc ký tên trong Đơn Đề Nghị này (lẽ ra là 21 vị, bỏ sót 1 vị là thư ký phiên họp, PTS Phạm Tài Đoan - một trong những người khởi xướng các đề nghị của Thánh Thất - đã ký tên bên phải, chỗ thư ký, sau khi kết thúc vi bằng).

Hai mươi vị này gồm:

- 5 vị Lễ Sanh: Thượng Minh Thanh (Nguyễn Văn Minh), Thái Thung Thanh (Lê Văn Thung), Hương Nhận (Nguyễn Thị Nhận), Hương Lộc (Nguyễn Thị Lộc), Hương Lương (Uông Thị Lương).

- 7 Chánh Tri Sự: Lê Khoan Nhu, Tạ Đình Định, Phạm Bá Quí, Trần Văn Phẩm, Nguyễn Văn Lịch, Lê Văn Cúc và Nguyễn Thị Minh.

- 3 Phó Tri Sự: Vũ Hữu Phiên, Lê Thị Con, Đinh Thị Đa.

- 5 Thông Sự: Đỗ Văn Thọ, Bùi Văn Phúc, Lê Văn Tình, Tạ Đức Yên, Đinh Văn Nghịch.

Lẽ ra, những người trên chỉ đề xuất thỉnh nguyện, nếu Tòa Thánh không chấp nhận, cơ quan hữu trách của Đạo phải trả lời cho các đương đơn kèm theo lời giải thích, chớ tại sao chẳng những không trả lời mà lại ra Thánh Lịnh trục xuất họ luôn về tội "dám" làm đơn, hay tội " là phe phái của GS Bảy", hoặc tội "phạm thượng", dám góp ý bài kinh các đấng đã định chọn?

Xin lưu ý, một số vị trong danh sách bị trục xuất trên, vào năm 1953, đã được Đức hộ pháp ân phong Lễ Sanh phái Ngọc. Nếu họ là những người thuộc phe phái do GS Bảy lập nên để tranh quyền với Tòa Thánh thì có bao giờ được Đức Hộ Pháp ra Thánh Lịnh ân phong? Có phải Thánh Lịnh này là sự chuộc lại sai lầm của Tòa Thánh vì đã trót nghe lời sàm tấu của Chức sắc thuộc quyền, vượt qua nguyên tắc minh tra, xét xử theo đúng luật Đạo, vội vã xuống tay với những tín đồ chân thật, trung thành?

Thánh Lịnh ân phong Lễ Sanh của Đức Hộ Pháp ban cho một số Chức việc TT Lê Lợi:

c- Giáo Sư Thượng Bảy Thanh có phân phe chia phái?

Khi nhận được Thánh Lệnh trục xuất GS Thượng Bảy Thanh về tội phân phe chia phái, đồng đạo tại Bắc Việt đều sửng sốt với hàng loạt câu hỏi như: Ông GS Bảy lập phe phái nào, tên gì, khi nào, gồm những ai, lập ra với mục đích gì, để tranh đoạt với phe nào, GS Bảy có tự xưng ngôi vị và ban phong phẩm tước gì cho ai như các chi phái đã tách rời Tòa Thánh Tây Ninh không...?

Thật ra, "phe phái" của GS Bảy do những ai đó tưởng tượng ra chính là các Chức việc Thánh Thất Lê Lợi thông qua công cử đúng luật và đã được Tòa Thánh công nhận. "Phe phái " này đã tuyệt đối trung thành với Tòa Thánh Tây Ninh mới giữ vững cơ đồ và phát triển mạnh mẽ đến như vậy! Hơn nữa, đa số tín hữu Bắc Việt đều có trình độ, kiến thức cao nên họ có những nhận xét chính xác và hữu lý (như việc phân tích bài Kinh Sám Hối). Vì thế, rất khó mà thuyết phục họ theo phe nhóm tách rời Tòa Thánh một cách dễ dàng, họ đủ sức nhận thức được ai là người phân chia phe phái. Nếu cần nói cho đúng, những người gây ra phe phái chính là GS Ngọc Non Thanh, Lễ Sanh Thượng De Lagarde Thanh và Lễ Sanh Thượng Ráng Thanh! Phải chăng "phe phái Chùa Vua" của GS Ngọc Non Thanh nhận thấy tín hữu Bắc Việt quá ngưỡng mộ tài năng và đức hạnh của GS Bảy nên tự suy luận là GS Bảy đã lôi cuốn tín đồ theo ông để tranh đoạt Tòa Thánh?

Tóm lại, GS Bảy chỉ thuần túy vì trách nhiệm xiển dương Đạo Cao Đài ra quốc tế theo chức năng của Hội Thánh Ngoại Giao nên mới tiếp tục tầm phương truyền giáo sang Trung Hoa chứ không phải với mục đích cố tình lánh mặt để xúi giục Ban Cai Quản Thánh Thất Lê Lợi gây hiềm khích, chia rẽ với GS Ngọc Non Thanh và không có yếu tố nào để buộc tội ông có ý định phân phe chia phái.

Nếu ông có mưu đồ phản nghịch, lật đổ Hội Thánh thì chắc chắn ông sẽ gặp thất bại, trước mắt là từ sự chống đối của Ban Cai Quản và đồng đạo Thánh Thất Lê Lợi vốn một lòng tuyệt đối trung thành với Tòa Thánh Tây Ninh!

Nếu ông quyết tâm cô lập thì GS Non không thể tạm sống nương nhờ Thánh Thất Lê Lợi và được đối xử tử tế trong khi toàn bộ Chức việc Thánh Thất Lê Lợi đã bị Tòa Thánh ra Thánh Lịnh trục xuất và Thánh Thất Chùa Vua cũng chưa chắc được thành hình!

Để minh oan cho GS Thượng Bảy Thanh, trong tài liệu, Lễ Sanh Phạm Tài Đoan đã viết:

- "Cuối năm 1939, tôi thay mặt tín hữu miền Bắc gửi về Tòa Thánh một bức thư trần tình và minh oan cho ông GS Thượng Bảy Thanh. Tôi biết là thư của tôi hoặc của bất cứ tín hữu nào ở Bắc Việt sẽ chẳng được Tòa Thánh nghe, nhưng tôi vẫn làm theo đạo lý và công lý. Vào tháng 10/1950, nhân dịp Đức Hộ Pháp ra thăm Bắc Hà, chúng tôi lại trình bày tường tận mọi khía cạnh của vụ án. Chúng tôi nhận thấy Đức Hộ Pháp có vẻ buồn sau khi nghe lời trình bày của chúng tôi. Phải chăng, bây giờ, Đức Hộ Pháp đã rõ nguồn cơn: Thì ra, người ta đã báo cáo sai sự thật!

Tháng 10/1955, tại Thánh Địa Tây Ninh, tôi lại trình bày một lần nữa về vụ án, Đức Hộ Pháp hứa sẽ lưu tâm. Nhưng tiếc thay, 2 tháng sau, ĐHP đã vội vã sang Kampuchea để tránh anh em Ngô Đình Diệm mưu toan sát hại Ngài. Đến tháng 4/1959, ĐHP triều thiên bên Nam Vang".

- "Trong 10 năm trời hoạt động tại Thánh Địa Tây Ninh, tôi đã đặt câu hỏi này với các vị Chức sắc cao cấp nhất tại Tòa Thánh và phỏng vấn bậc đồng tuế với GS Thượng Bảy Thanh, tôi chưa nhận được câu trả lời nào vừa ý cả!".

- "Không biết có phải để bào chữa và giải thích thái độ cầu an, lãnh đạm của mình hay không mà có một vị Chức sắc đã nói với tôi rằng: Tòa Thánh Tây Ninh trục xuất GS Thượng Bảy Thanh không phải vì tội chia phe phái mà vì một tội danh khác!

Nếu chiếu theo Đệ Nhất Hình trong Thập Hình của Đức Lý Giáo Tông thì việc xử phạt trục xuất, đương sự phải bị khép vào một trong 3 tội:

+ Không tuân Pháp Chánh Truyền và Đạo Nghị Định.
+ Phản loạn chơn truyền.
+ Chia phe phân phái và lập Tả đạo, Bàng môn.

GS Thượng Bảy Thanh không phạm 2 tội đầu, còn tội thứ 3, ông bị tố cáo vu vơ, thiếu bằng chứng. Tôi hỏi: "Vậy, GS Bảy còn phạm tội gì nữa mà bị trục xuất?" thì vị Chức sắc này nhất định không nói. Tôi tiếc rằng được nghe điều này vào năm 1960, sau ngày Đức hộ Pháp đã triều thiên bên Nam Vang".

III- SAU KHI TỪ TRUNG HOA TRỞ VỀ, GS BẢY ĐÃ LÀM NHỮNG GÌ CHO TÒA THÁNH TÂY NINH?

Năm 1940, khi từ Trung Hoa về, GS Bảy chỉ lưu lại một thời gian ngắn ở Bắc Việt rồi cùng hiền huynh Nguyễn Kim Sa, người đã tháp tùng cùng GS Bảy sang Trung Hoa, cả hai trở về Nam Vang - Kampuchea sống với gia đình.

Năm 1941, Đức Hộ Pháp cùng 5 vị Chức sắc bị Pháp bắt đày sang Madagasca. Tình hình hoạt động tại Tòa Thánh Tây Ninh bị ngưng trệ, Thánh Thất Kiêm Biên ở Nam Vang cũng không kém phần tơi tả.

Năm 1942, trước tình hình Đạo suy vi từ trong nước đến Nam Vang, với tài ngoại giao, GS Thượng Bảy Thanh đứng ra xin chính phủ Pháp cho nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo Thánh Thất Kiêm Biên, cũng với vai trò Chủ trưởng Hội Thánh Ngoại Giao (cơ quan do TTTN thành lập). Chánh phủ Pháp một phần có cảm tình với GS Bảy, một phần vẫn nghĩ rằng HTNG đã độc lập với TTTN từ sự kiện ở Bắc Việt nên chấp thuận.

Thời gian này, chiến tranh Việt - Pháp bùng nổ nên xứ Kampuchea cũng bị ảnh hưởng. Các lực lượng kháng chiến không những chống Pháp mà còn chống đối lẫn nhau như sự xung đột giữa Việt Minh và các đảng phái chính trị khác, giữa Việt Minh và các lực lượng tôn giáo như Cao Đài, Hòa Hảo, giữa các lực lượng tôn giáo với nhau... nên cuộc sống của người dân và người Đạo rất khốn đốn. Gs Bảy đã giương cao ngọn cờ cứu khổ của Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh, góp phần tích cực trong việc can thiệp với lãnh đạo các lực lượng, xin trả tự do cho rất nhiều nạn nhân của cuộc chiến cho dù đó là người đời hay người có đạo.

Theo thống kê của Tòa Thánh năm 1951, số lượng tín đồ Cao Đài tại Nam Vang do công phổ độ của Thánh Thất Kiêm Biên lên đến 70.000 người.

Nếu GS Bảy không đứng ra chèo chống để giữ gìn Thánh Thất Kiêm Biên trong thời kỳ Đạo bị khủng bố toàn diện vào những năm sau 1941 thì liệu Thánh Thất Kiêm Biên có tránh được sự xóa sổ và trưng dụng trước chủ trương tiêu diệt Đạo Cao Đài của chính phủ Pháp cũng như sự bài xích của Hoàng Triều hay sự lấn chiếm đất của nhân dân Kampuchea như đã xảy ra sau này, để đến khi lưu vong vào năm 1956, Đức Hộ Pháp vẫn còn có nơi dung thân lánh nạn?

Có thể nói, Thánh Thất Kiêm Biên còn tồn tại cho đến ngày nay là công lao gìn giữ cơ nghiệp Đạo của GS Bảy . Người đa tài túc trí và có lòng hiếu Đạo, có Thánh tâm mới nén vết thương lòng vẫn đang âm ỉ nhức nhối mà chấp nhận tiếp tục đứng mũi chịu sào trước lưỡi gươm còn dính máu Cao Đài của Pháp để bảo vệ Đạo, chứ không phải đó là sự trả công của "con cáo già mũi lỏ" như suy diễn của một số người. Nếu phải "trả công", Pháp có thể ban bố nhiều quyền lợi khác cho GS Bảy và gia đình vẫn hay hơn cho phép nhánh Đạo Cao Đài hồi sinh khi đã bứng gốc Tổ Đình!

IV- VỀ CÔNG NGHIỆP TRUYỀN GIÁO SANG TRUNG HOA CỦA GS BẢY.

GS Thượng Bảy Thanh mang Thông Hành số 445 do Sở Liêm Phóng Đông Dương (Sở Công An) cấp ngày 3-11-1938 tại Hà Nội cùng một thuộc hạ là Nguyễn Kim Sa ngồi xe lửa khởi hành từ Hà Nội đi Vân Nam (Trung Hoa) ngày 05-12-1938 (14 tháng 10 năm Mậu Dần). Đến Vân Nam, GS lập văn phòng tại số 5 đường Sewchefu. "Vạn sự khởi đầu nan", GS Bảy cùng hiền huynh Kim Sa tự lo liệu mọi việc nên rất bận rộn, nào là phải kiếm chỗ ăn, chốn ở nơi xứ lạ khác ngôn ngữ, phong tục, nào là lo chuẩn bị ngôi thờ, nào sắp đặt văn phòng, nào là giải thích giáo lý, nào là hướng dẫn tân tín đồ lễ bái, cúng kiếng, đọc kinh, nào là phải tự nấu ăn hằng ngày, nào là đi ngoại giao, thăm nhà chức trách địa phương...

Những khó khăn này không bằng cái khó khăn về tài chánh, điều kiện tối cần thiết cho mọi hoạt động. Đi truyền Đạo bên Trung Hoa, GS Bảy không được một cơ quan nào đài thọ cả. Ngày chia tay, đồng đạo đất Bắc góp một phần rất nhỏ nhoi vì tất cả đều nghèo. Mọi chi phí sinh hoạt ở Trung hoa, GS phải nhờ vào đồng lương còm cỏi của người con trai là Lê Văn Thìn từ Nam Vang gởi sang. Những lúc tiền từ Nam Vang gởi sang Trung hoa gặp trở ngại vì chiến cuộc, hai thầy trò - GS Bảy và huynh Kim Sa - phải tự tìm kế sinh nhai bằng những công việc lao động chân chính. Huynh Kim Sa đi làm lơ xe (Ét Ôtô) kiếm tiền để trang trải mọi chi tiêu. Tuy vất vả như vậy, GS Bảy không bao giờ kêu gọi tín hữu Bắc Hà cung cấp tiền nong, rất nhiều lần GS đã từ chối nhận tiền của Thánh Thất Lê Lợi. GS Bảy luôn giữ uy tín cho Đạo và thanh danh dân tộc Việt Nam nơi xứ người.

Sau khi về Việt Nam vì công việc lần thứ ba, GS Bảy định trở lại Trung Hoa thì báo chí loan tin là phi cơ Nhật vừa ném bom phá sập một chiếc cầu trên con đường xe lửa Hà Nội - Vân Nam, bên phần đất Trung Hoa, nên giao thông bị gián đoạn. Đây là thời điểm chiến tranh Nhật - Trung bắt đầu bùng nổ mạnh mẽ. Đến ngày 22-9-1940, quân đội Nhật Bản đổ bộ lên Bắc Việt nên GS Bảy không còn cơ hội trở lại Trung Hoa truyền giáo nữa. Rất may, nếu ông GS và huynh Kim Sa chậm chân vài hôm thì biết bao giờ mới được hồi hương từ Trung Hoa!

Tóm lại, vì thọ lệnh ơn trên giao phó, GS Thượng Bảy Thanh đã dốc tâm thực thi sứ mệnh. Chỉ có hai thầy trò, tiền bạc túng thiếu, ngôn ngữ không biết, đường sá không thông, phong thổ chưa quen, đất lạ chưa từng đặt chân đến, không một người thân để nương tựa... Vậy mà GS Bảy vẫn xông pha đem Đạo cứu đời, một sự dấn thân không phải ai cũng có đủ bản lãnh để thực hiện!

Nói về thành quả, với một thời gian ngắn, 04 tháng 14 ngày (134 ngày) thực tế hoạt động, trong điều kiện vật chất thiếu thốn và môi trường hoàn toàn xa lạ mà GS Bảy đã phổ độ bước đầu được 45 người là một thành tích không nhỏ! Nếu không vì thời cuộc, sau vài năm, con số ấy sẽ tăng trưởng biết là ngần nào!

V- GS BẢY CÓ TỐ CÁO ĐỨC HỘ PHÁP ĐỂ PHÁP BẮT ĐI LƯU ĐÀY?

Theo sử liệu thể hiện qua các ấn phẩm đã được Hội Thánh Kiểm duyệt, không có vật chứng rõ ràng về lá thư của GS Bảy tố cáo Đức Hộ Pháp với nhà cầm quyền Pháp. Tất cả chỉ là lời đồn đãi nhằm phóng đại tội trạng của GS Bảy cho thêm phần nghiêm trọng. Thật ra, chỉ có văn khố của chính phủ Pháp mới có câu trả lời chính xác. Về nguyên tắc, cơ quan bảo an của bất cứ một quốc gia nào cũng không bao giờ tiết lộ công khai một tài liệu "tuyệt mật" như vậy!

Vì thế, từ năm 1941 cho đến nay, không ai trưng ra được lá thư tố cáo do chính GS Bảy viết, chỉ có bản viết tay photo ngụy tạo như đã nói và một vài tài liệu đánh máy lại, mang danh nghĩa "Tài liệu ĐẠO SỬ KIÊM BIÊN (mật)", không phải là chữ viết tay, không có chữ ký của GS và cũng không được Hội Thánh thừa nhận, nên việc hiện thực hóa lá thư như thế không đủ chứng lý thuyết phục.

Hơn nữa, việc Pháp bắt Đức Hộ Pháp và 5 vị Chức sắc cùng lúc với các chí sĩ, những người yêu nước thuộc các đảng phái chính trị đời là cả một kế hoạch qui mô của Nhà cầm quyền Pháp nhằm ngăn chận sự nổi dậy của dân tộc Việt Nam bị trị, đã có dấu hiệu cấu kết với Nhật Bản theo chính sách Đại Đông Á nhằm lật đổ Pháp. Phủ Toàn Quyền Đông Dương không thể nghe theo lời một bức thư tố cáo mà tiến hành bắt và lưu đày Đức Hộ Pháp cùng 5 thuộc hạ một cách vội vã, bất chấp nguyên tắc tố tụng theo pháp lý của một quốc gia văn minh, nhất là đụng chạm đến một nhân vật nổi tiếng thế giới như Đức Hộ Pháp. Vì thế, không thể đổ dồn hết tội tình cho một lá thư không được xác định!

VI- LỜI ĐỒN ĐOÁN VỀ SỰ QUY THIÊN CỦA GS BẢY.

Trước Tết Nguyên Đán năm Mậu Tý (1948), GS Bảy đi thăm đồng đạo các nơi nhân dịp xuân về. Ông đi bằng ghe thuyền đến tận các vùng xa xôi hẻo lánh. Do tuổi già, sức yếu, ông bị cảm nặng dẫn đến sưng phổi. Lúc đó, thuốc men chưa đầy đủ nên sau một tháng điều trị, bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Đến ngày 10 tháng Giêng năm Mậu Tý (19/02/1948), GS Thượng Bảy Thanh đã quy thiên tại Thánh Thất Kiêm Biên vì bệnh viêm phổi, hưởng thọ 65 tuổi.

Sự ra đi của GS Bảy đã để lại nỗi niềm thương tiếc của đồng đạo xứ Chùa Tháp và sự đau buồn, cắn rứt của tín hữu Bắc Việt vì nỗi oan khuất của GS chưa được giải tỏa.

Có người cho rằng Đức Hộ Pháp đã dùng Gián Ma Xử để trừng trị GS Bảy, cũng có người nói rằng Đức Hộ Pháp đã đánh bạt tay... Tất cả cũng lại là là tin đồn!

Như đã trình bày cặn kẽ, lịch sử không có yếu tố để quy kết GS Bảy vào bất cứ tội danh nào. Vả lại, nếu chúng ta đem so sánh với những người đã từng lập chi phái như Bến Tre thì chính ông Nguyễn Ngọc Tương và ông Lê Bá Trang mới là những người xứng đáng nhận lãnh những hình phạt tương xứng như vậy, mà sao không nghe ai nói tới sự trừng phạt của Đức Hộ Pháp? Ông Nguyễn Ngọc Tương đã tách rời Tòa Thánh Tây Ninh ra lập chi phái có tên trịch thượng là "Ban Chỉnh Đạo" (Đạo Cao Đài do Đức Chí Tôn lập nên mà dám "chỉnh"). Ông Tương lên ngôi vị Giáo Tông (tiếm quyền của Đức Lý) và lập cả một hệ thống hành chánh tôn giáo riêng biệt, từng kéo quân về âm mưu chiếm lĩnh Tòa Thánh. Vậy mà Đức Hộ Pháp còn chưa áp dụng sự trừng phạt, thì có lẽ nào, với một cộng sự dày công phát triển Đạo như GS Bảy lại đáng trừng trị hơn?

Có thể nói, Đức Hộ Pháp đã vất vả trong kiến tạo và lãnh đạo Tòa Thánh Tây Ninh vượt qua bao sóng gió thì GS Bảy đã phải chịu trăm đắng nghìn cay để đạt thành công trong việc truyền đạo ra Kampuchea, Bắc Việt và Trung Hoa, làm vinh danh Đạo Cao Đài. Cả hai, kẻ lo việc trong, người lo việc ngoài, đều thực thi sứ mệnh của Hội Thánh. GS Bảy đã giương cao ngọn cờ vẻ vang của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ - Tòa Thánh Tây Ninh cho đến phút lâm chung chứ ông đâu có lập chi phái riêng hay phục tùng chi phái nào khác! Tất cả đều do sự hiểu lầm vì bất đồng quan điểm ở lãnh vực nào đó chứ không phải là sự phản nghịch.

Vì vậy, chúng ta có thể kết luận:

- Sự quy thiên của GS Bảy là do suy thoái sinh lý tất yếu của tuổi già, phù hợp với lẽ tự nhiên của quy luật sinh, lão, bệnh, tử chứ không phải là cái chết bất đắc kỳ tử nên không thể thêu dệt ác ý.

- Đức Hộ Pháp là đấng thọ lịnh Đức Chí Tôn mang sự thương yêu đến loài người nên Ngài không trừng phạt một ai, kể cả kẻ nghịch mạng vì tất cả đều là con cái của Đức Chí Tôn. Vì thế, không ai được phép tuyên truyền sai lệch hạnh đức từ bi của Đấng Cứu Thế: Phật sống Phạm Hộ Pháp!

VII- VỀ BÀI THI CỦA KIM QUANG SỨ.

Trong "Lời Thuyết Đạo Của Đức Hộ Pháp" (đã được Hội Thánh kiểm duyệt), quyển 4, bài số 07, trang 47, đề tài "Huyền Diệu Cơ Bút" tại Đền Thánh, đêm 30 tháng Tư năm Tân Mão (1951), Đức Hộ Pháp đã nói:

"... Có một điều Bần Đạo thấy hiển nhiên trước mắt, khi Đạo mới mở, Thánh Thể Đức Chí Tôn còn thương yêu hòa ái với nhau, chưa đến đổi chia rẽ, chưa đến đổi thù địch. Kế người đến, Kim Quang Sứ đến cầm cơ viết câu này:

- Chín phẩm thần tiên nể mặt ta,

Ông Giáo Sư B... ở Kiêm Biên nói: "Ông nào đây, chắc lớn lắm", bước ra quỳ xuống lạy. Cơ viết luôn:

- Thích Ca dầu trọng khó giao hòa,

Kế, ông C... bước ra quỳ xuống. Cơ viết tiếp:

- Lấy chơn đổi giả tô thiên vị,

- Thắng bại phàm tâm liệu thế à?

Tới chừng ký tên Kim Quang Sứ mới biết là Quỷ vương, là tà giáo. Hai người này đã theo nó, bằng cớ các bạn hiển nhiên ngó thấy các bạn của ta đã lầm cái thiệt ra cái giả. Nếu không giải quyết được cái hư thiệt, chúng ta phải theo tà quái mà chớ! Duy có Đức Chí Tôn lấy cái giả làm cái chơn được."

Qua lời thuyết Đạo trên, chúng ta nhận thấy Đức Hộ Pháp chỉ kể lại câu chuyện và nói là hai ông GS Bảy và GS Chữ lúc ban đầu đã lầm cái giả thành cái thiệt và có lời cảnh báo là khi đã nhận ra Kim Quang Sứ rồi, nếu vẫn không phân biệt giả-chơn thì sẽ rơi vào con đường của tà quái. Rõ ràng là Đức Hộ Pháp chưa hề kết luận về việc hai ông đã chọn con đường nào!

Hai ông GS đã vội vã thủ lễ trước một đấng nghĩ là cao trọng qua hai câu thơ đầu, việc này thể hiện tác phong Nho Giáo của bậc giữ hạnh Thánh Hiền, không có gì đáng phê phán. Sau khi bài thi kết thúc mới lộ rõ tác giả là ông Kim, hai ông mới biết rằng đã thủ lễ sai lầm do ngộ nhận. Vấn đề là sau khi biết là Giáo chủ tà giáo, thái độ phân biệt chánh-tà để định hướng hành đạo của hai ông ra sao mới là căn cứ để chúng ta kết luận.

Bài thi của ông Kim xuất hiện vào năm 1930, sau đó, vào năm 1933, Giáo Sư Bảy được Đức Quyền Giáo Tông và Đức Hộ Pháp chọn làm thư ký riêng và giao phó những nhiệm vụ mật yếu, thậm chí hai Đức Ngài đã đề cử GS Bảy làm đại diện trong những Đại Hội quan trọng và sau đó ông vẫn tiếp tục hiến thân hành đạo vì sự nghiệp của Đức Chí Tôn cho đến cuối đời. Còn Giáo Sư Thượng Chữ Thanh, về sau được thăng lên phẩm Phối Sư, rồi Chánh Phối Sư phái Thượng.

GS Bảy có là thừa sai của Kim Quang Sứ (hư) hay không đã được chính Đức Hộ Pháp và Đức Quyền Giáo Tông (thiệt) xác nhận rõ qua việc trọng dụng ông. Còn GS Chữ, nếu đã là đệ tử của Kim Quang Sứ thì tại sao về sau, Đức Lý vẫn thăng phong ông đến phẩm Thượng Chánh Phối Sư? Chứng tỏ là hai ông đã "giải quyết được cái hư thiệt" nên "không phải theo tà quái", y theo lời cảnh tỉnh của Đức Hộ Pháp!

Ở một góc độ nào đó, có người cho rằng việc thủ lễ dù do ngộ nhận cũng là một "điềm báo". "Điềm" cũng chỉ là điều tưởng tượng, là suy đoán chủ quan nên việc nhất thời thủ lễ với ông Kim ở giây phút ban đầu chưa đủ yếu tố để kết luận là sau này, hai vị GS sẽ là đệ tử ông ta! Việc có khắc phục sai lầm hay không mới khẳng định được giá trị thực của nhận thức. Về sau, hai vị Giáo Sư đã được chứng minh bằng lòng tin của Hội Thánh hữu hình và sự thăng phong của Đức Lý vô vi vậy!

VIII- TỔNG LUẬN:

Lịch sử phải phản ảnh trung thực. Có khi phải qua nhiều thế hệ, sự thật mới được phơi bày và lịch sử bắt buộc phải điều chỉnh lại, như trường hợp vụ án của Nguyễn Trãi.

Trường hợp Giáo Sư Thượng Bảy Thanh, việc bất hòa khởi nguyên từ sự xích mích vặt vãnh giữa hai người đàn bà: Bà Nguyễn Thị Trụ (vợ ông De Lagarde) và bà Nguyễn Thị Lộc; sau đó, sự việc lớn dần theo phàm tính con người rồi dẫn đến bi kịch lịch sử. Nỗi oan khuất của ông đã được những người trong cuộc chứng minh ngay thời điểm xảy ra sự kiện. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh xã hội chưa phát triển, phương tiện di chuyển và thông tin liên lạc còn rất thô sơ nên "vụ án" không được hóa giải kịp thời, vì thế, nỗi oan khuất ngày càng bị vùi lấp. Mãi đến năm 1950, khi tiếp xúc với thực tế, Đức Hộ Pháp mới vỡ lẽ là đã do những kẻ mang phàm tâm sàm tấu nên sự việc mới đến nông nỗi như vậy! Ba năm sau đó (1953), Ngài đã giải oan cho những người mà trước kia đã bị quy tội "đồng phạm" với GS Bảy bằng Thánh Lệnh ân phong Lễ Sanh cho 6 vị, trong đó, đứng đầu là PTS Phạm Tài Đoan, người được cho là cánh đắc lực nhất của GS Bảy.

Việc ra Thánh Lệnh ân phong cho thuộc quyền của GS Bảy đương nhiên cũng là lời minh oan cho ông. Rất tiếc, vào thời điểm này, GS Bảy đã quy thiên! Nếu GS Bảy còn tại thế, có lẽ Đức Hộ Pháp cũng sẽ có lối hành xử thích hợp nhằm xoa dịu vết thương đã vô tình gây ra cho ông, thể hiện hạnh đức toàn thiện của vị Bồ Tát.

Trước "công nhìn thấy mà tội chỉ nghe", tại sao chúng ta không tán dương thành quả phi thường mà lại nhẫn tâm kết tội vô căn cứ một Chức sắc Thiên phong cả đời tận tụy vì sự nghiệp Đạo? Tại sao chỉ soi mói vào những điều không có thực mà bỏ qua công nghiệp thực tế vô cùng lớn lao của GS Bảy?

- Nếu ông không có tài năng truyền giáo thì Thánh Thất Kim Biên làm sao phát triển đến 70 ngàn chục ngàn tín đồ?

- Nếu ông không đủ đức độ thì làm sao thu phục được nhân tâm Bắc Hà để có trên 10 ngàn người chịu quy tùng Đạo Thầy?

- Nếu không nhờ bản lãnh xông pha xứ người của ông thì nhân dân Trung Hoa đâu được biết Đạo Cao Đài là gì!

Công nghiệp này, lịch sử Đạo đành lòng nào bỏ qua?

Qua sự kiện lịch sử này, những kẻ hậu học như chúng ta cần rút ra bài học đau thương về việc phê phán, chỉ trích tiền bối. Nói đúng ra là chúng ta không có quyền! Mọi việc đúng-sai đều do các đấng phân định. Là hậu thế, chúng ta làm sao biết rõ hết những ẩn khuất bên trong sự kiện? Sẽ vi phạm luật Đạo nếu loan truyền những gì Hội Thánh chưa xác nhận và cho phép phổ biến! Trên bước đường tu học, khi cần thiết, chúng ta chỉ lặp lại những gì lịch sử đã công bố và tốt nhất là chỉ nên nói đến những điều tốt đẹp.

Chúng tôi không vì tình riêng, chỉ muốn gióng lên tiếng chuông hồi báo thông qua bút ký kêu oan của những người trong cuộc để đồng đạo nắm rõ hai mặt của vấn đề mà chấm dứt tuyên truyền những lời ác ý về GS Thượng Bảy Thanh (nếu có) kẻo phải mang thêm khẩu nghiệp, một lực cản đáng kể trên bước đường tiến hóa tâm linh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hy vọng những tư liệu này sẽ giúp ích cho các Đạo Sử Gia trong việc ghi nhận thêm dữ kiện để trình Hội Thánh duyệt xét và hóa giải cho nỗi oan khuất mà GS đã gánh chịu hơn 70 năm qua.

Hy vọng rằng, sau hơn 70 năm trần gian kể từ "vụ án Giáo Sư Thượng Bảy Thanh", Tòa Tam Giáo Thiêng Liêng đã xét xử minh bạch và sẽ công khai trước nhơn sanh thông qua cơ bút khi Hội Thánh phục quyền, vì: "ĐẠO CÒN ĐIỂM KHÔNG MINH CHƯA THỂ GỌI LÀ ĐẠO ĐƯỢC!" (Lời của Lễ Sanh Phạm Tài Đoan).

*

Xin trân trọng cám ơn các thành viên đã cung cấp ý tưởng và tư liệu về "Vụ Án Giáo Sư Thượng Bảy Thanh" để lịch sử Đạo có cơ sở truy xét một sự kiện chưa từng được mổ xẻ và đã gây nên nỗi oan khuất cho một Chức sắc hữu đại công trong sự nghiệp truyền bá giáo lý của Đức Chí Tôn ra khỏi phạm vi đất Việt.

Nay kính.

Ban Quản Trị trang web hoithanhphucquyen.org

Chủ đề này đã được sửa đổi3 years Trước đây bởiAdmin
Trích dẫn
Người bắt đầu chủ đề Đã đăng : 01/02/2021 4:19 am
Chia sẻ: